Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng bối cảnh quốc tế có nhiều đổi thay, nhiều nước thay đổi chính sách kinh tế nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế- xã hội nước ta tiếp tục phát triển toàn diện. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%. Sức cầu trong nước tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ. Lạm phát trong tầm kiểm soát. Bảo đảm các cân đối lớn và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh thị trường quốc tế có nhiều biến động.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý một số rủi ro, thách thức cả bên trong và bên ngoài như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang. Ngân hàng trung ương của các nước lớn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, khiến mặt bằng lãi suất tăng. Một số mặt hàng có xu hướng tăng giá. Thủ tướng cảnh báo “nếu không khéo kiểm soát, không khéo phối hợp chính sách thì khả năng CPI tăng quá mức 4% cũng có thể xảy ra”.
Trong 9 tháng, cả nước có trên 96.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, chỉ tăng 8% về số doanh nghiệp và tăng 6,7% về số vốn trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng cao. Đặc biệt, hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân còn thấp, chậm cải thiện. “Chúng ta tự hỏi nguyên nhân vì đâu trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phải chăng là khâu thực thi của các cấp chưa hiệu quả”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Các bộ, ngành mới rà soát, cắt giảm được 60%, còn tới gần 40% điều kiện kinh doanh cần cắt giảm, còn tình trạng đối phó như cắt giảm điều kiện này thì lại “mọc” ra điều kiện khác, Thủ tướng lưu ý. Các bộ, ngành cần khẩn trương hoàn thành rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết theo đúng tiến độ, chất lượng đề ra.
Trong thời gian tới, trước các biến động của tình hình thế giới, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính tiền tệ quốc tế đối với các vấn đề tỷ giá, lãi suất; có giải pháp kịp thời ổn định lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại hối, tránh đột biến, tạo thế yên tâm cho doanh nghiệp, người dân.
Về yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng cho rằng một mục tiêu quan trọng của chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế là hạn chế sự phụ thuộc vào khu vực FDI mà cần dựa nhiều hơn vào sức cầu trong nước và trong khi sức cầu trong nước phụ thuộc nhiều vào tầng lớp trung lưu nên cần có chính sách dưỡng sức dân, dưỡng sức doanh nghiệp, hỗ trợ để phát triển các loại hình doanh nghiệp. Phát triển năng lực cạnh tranh của các đô thị. Đưa khoa học công nghệ trở thành động lực tăng trưởng mới.
Các bộ, ngành, địa phương cần tranh thủ thời điểm hiện nay đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế, tăng năng suất lao động, bảo đảm yếu tố tăng trưởng bền vững, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao.
Ngân hàng Nhà nước là đầu mối tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu, kiểm soát tốt luồng vốn tín dụng vào chứng khoán, bất động động sản, bảo đảm thị trường bất động sản khởi sắc nhưng bền vững.
Cần báo cáo giải trình về vấn đề sách giáo khoa
Thủ tướng nêu rõ Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với cơ quan thường trực là Văn phòng Chính phủ cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông phải đi vào hoạt động một cách thực chất, tạo chuyển biến rõ nét, tránh tình trạng nửa vời.
Bộ Quốc phòng tiếp tục tăng cường bảo đảm quốc phòng an ninh, chủ động ứng phó, kịp thời xử lý các tình huống, ngăn chặn có hiệu quả các âm mưu, hoạt động chống phá.
Bộ Công an chỉ đạo làm tốt nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ. Tập trung xử lý tình trạng “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhân dân. Thủ tướng cũng lưu ý xử lý nghiêm vụ việc chợ Long Biên mà báo chí phản ánh thời gian qua.
Bộ Thông tin và Truyền thông chú trọng phát triển hạ tầng kết nối băng rộng, tiến tới triển khai nhanh công nghệ 5G phục vụ cho phát triển. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp nội địa có năng lực cạnh tranh trên thị trường thanh toán điện tử. Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi nền kinh tế hiện nay sang nền kinh tế số. Phát triển các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, nhất là công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử - viễn thông - công nghệ thông tin.
Chỉ đạo thực hiện hiệu quả Quy hoạch Quản lý và Phát triển báo chí. Tăng cường kỷ luật phát ngôn. Chấn chỉnh công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Xử lý kiên quyết việc đưa tin sai sự thật, thông tin xấu, độc.
Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương và báo cáo công khai tại phiên họp Chính phủ thường kỳ. “Tôi đề nghị Tổ công tác tổ chức nhiều chuyến công tác hơn nữa, kiểm tra tình hình thực tế; báo cáo Thủ tướng về những sai phạm của các đơn vị bị kiểm tra và kiến nghị biện pháp xử lý”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Các bộ, ngành chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ kỳ họp Trung ương và Quốc hội tới đây. Thủ tướng nhấn mạnh không để chậm trễ các văn bản được giao, bảo đảm thời gian trình các dự án luật.
Đối với vấn đề sách giáo khoa với nhiều quan điểm trái chiều từ biên soạn nội dung, in ấn, phát hành, gây bức xúc dư luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có báo cáo, giải trình rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội, dư luận quan tâm.
Thủ tướng cũng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo là đầu mối, phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục đào tạo (sửa đổi), lưu ý tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, có giải pháp đột phá, đổi mới trong bối cảnh kinh tế số.
Nguồn Chinhphu