Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, công tác thi đua, khen thưởng đạt được nhiều kết quả. Các phong trào thi đua được triển khai hiệu quả, đổi mới hình thức, nội dung phong phú bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.
Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018), thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo không khí thi đua sôi nổi trong cả nước. Qua đây, nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội đã được phát hiện, tôn vinh, biểu dương, góp phần khích lệ, động viên nhân dân, cán bộ, tạo động lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ kinh tế, chính trị.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, thu hút đông đảo hội viên, đoàn viên tham gia.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi đua, khen thưởng vẫn còn những hạn chế cần tập trung khắc phục. Một số phong trào thi đua chưa thu hút được sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, có nơi còn hình thức nên hiệu quả chưa cao. Tiêu chí của một số phong trào thi đua còn chung chung, chưa đánh giá được tác động đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cơ quan, đơn vị.
Dẫn hình ảnh người phụ nữ ở tỉnh Ninh Thuận hằng ngày bán ve chai để lấy tiền giúp các hoàn cảnh khó khăn, Thủ tướng cho rằng, đây là tấm gương rất quý, đáng trân trọng, đồng thời yêu cầu việc phát hiện tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào thi đua cần thường xuyên hơn, rõ nét hơn khi mà “rất nhiều tấm gương tốt nhưng chúng ta chưa phát hiện hết”.
Cho rằng thời gian qua có việc tặng danh hiệu cho một số sản phẩm tiêu dùng chưa đạt chất lượng, gây bức xúc xã hội, Thủ tướng đề nghị chú trọng hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra giám sát về khen thưởng, “việc thuốc chữa ung thư làm từ bột than tre mà được giải thưởng gì đó thì rất phản cảm”. “Tôi yêu cầu các cấp, các ngành khi mà xét phong tặng này cần đúng với chất lượng, đúng với hiệu quả, đóng góp của sản phẩm, công trình đó”.
Thủ tướng đề nghị Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát hiện các tổ chức, cá nhân lạm dụng hình khen thưởng để chấn chỉnh kịp thời hơn.
Định hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua để triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 với tinh thần không được thỏa mãn, chủ quan trong bối cảnh tình hình đất nước còn khó khăn, tình hình thế giới có nhiều biến động.
Công tác thi đua khen thưởng cần bám sát cơ sở, sát dân, tránh tình trạng quan liêu, giấy tờ, “chính sách trên trời”, “chỉ ở trong phòng lạnh mà không sát cơ sở, sát dân”. Phong trào phải đi vào thực chất, có chiều sâu, phát huy dân chủ. Chú trọng công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp.
Khen thưởng phải kịp thời, đúng quy định, đặc biệt là đối với đơn vị cơ sở, người lao động, công nhân, nông dân, chiến sĩ…
Tập trung giải quyết dứt điểm khen thưởng thành tích kháng chiến, phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” trên cả nước.
Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện đúng quy định về tổ chức các giải thưởng, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh tình trạng trao giải thưởng tràn lan, hình thức, “chạy giải thưởng” như một số trường hợp diễn ra thời gian qua.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tập trung tham mưu, hoàn thiện thể chế pháp luật về thi đua khen thưởng. Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi, Nghị định quy định việc quản lý xét tặng danh hiệu, giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp, để trình Chính phủ ban hành.
“Các thành viên Hội đồng chú trọng việc kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, có biện pháp xử lý các vấn đề phát sinh trong thi đua khen thưởng”, Thủ tướng nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong công tác thi đua khen thưởng, nâng cao tính công khai, minh bạch.
Theo báo cáo của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, trong 6 tháng đầu năm 2018, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tiếp nhận 1.198 tờ trình đề nghị khen thưởng của các bộ, ngành, địa phương. Thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ 1.120 tờ trình khen thưởng. Thực hiện 1.213 quyết định khen thưởng của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước cho 32.281 trường hợp, trong đó khen thưởng theo niên hạn là 15.644 trường hợp, Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 1.156 mẹ; 1.109 Huân chương Độc lập cho các gia đình có nhiều liệt sĩ; 1.696 Huân, Huy chương kháng chiến; phong tặng, truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho 228 tập thể, cá nhân có thành tích trong thời kỳ kháng chiến./.
Theo báo Chính phủ