Sáng nay (19/12), tại TPHCM, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các tổ chức tôn giáo.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cùng lãnh đạo một số bộ, ngành đã lắng nghe, trao đổi những vấn đề mà các chức sắc cao cấp của các tổ chức tôn giáo quan tâm.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện các tổ chức tôn giáo bày tỏ thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động.
Ý kiến của các chức sắc tôn giáo khẳng định đồng bào các tôn giáo luôn phát huy truyền thống yêu nước, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các tôn giáo đã xây dựng đường hướng hành đạo tiến bộ, gắn bó đồng hành với dân tộc như “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo, “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Công giáo, “Sống phúc âm phụng sự Thiên chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc” của Hội thánh Tin Lành, “Nước vinh đạo sáng” của Cao Đài, “Vì đạo pháp vì dân tộc” của Phật giáo Hòa Hảo…
Đại diện các tổ chức tôn giáo đánh giá cao Luật Tín ngưỡng, tôn giáo vừa được Quốc hội thông qua và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành để Luật sớm đưa vào đời sống. Một số chức sắc tôn giáo bày tỏ mong muốn Chính phủ tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Về tình hình thời gian qua, Thủ tướng cho biết, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng đã được các cơ quan liên quan triển khai nghiêm túc, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tại kỳ họp thứ 2 tháng 11 vừa qua với nhiều điểm mới, tiến bộ.
Thời gian qua, tình hình tôn giáo ở nước ta tương đối ổn định. Các sinh hoạt tôn giáo cơ bản tuân thủ quy định của pháp luật. Đồng bào, chức sắc, tín đồ các tôn giáo nhiệt tình hưởng ứng và tham gia có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, tham gia phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Một mặt vui mừng trước những kết quả đạt được nhưng chúng ta cũng cần khách quan nhìn nhận, hoạt động tôn giáo, công tác tôn giáo của chúng ta cũng đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức mà quý vị đại biểu, chức sắc, chức việc các tôn giáo đã nhìn nhận và phát biểu”, Thủ tướng bày tỏ. Khó khăn nằm cả ở mặt khách quan và chủ quan. Có những khó khăn về điều kiện kinh tế-xã hội, môi trường sống, có những khó khăn nằm ở cơ chế, chính sách, pháp luật và khâu thực hiện. Có những khó khăn do sự khác biệt về nhận thức, do có sự chưa thấu hiểu nhau giữa các cơ quan chức năng và các tổ chức tôn giáo; thậm chí còn đâu đó có sự xúi giục, kích động từ các thế lực xấu.
“Chúng ta đều là người Việt Nam, đều là con cháu Lạc Hồng, chúng ta cần có trách nhiệm chung với dân tộc, cùng chung tay xây dựng đất nước”, Thủ tướng đề nghị các vị chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Nhà nước cùng giải quyết những khó khăn, vướng mắc với tinh thần xây dựng, thiện chí và khách quan, thượng tôn pháp luật và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.
Ghi nhận các ý kiến, Thủ tướng cũng trực tiếp xử lý, giải quyết các kiến nghị của các vị chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo.
Về ý kiến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã được ban hành, kiến nghị Chính phủ có văn bản hướng dẫn sát với Luật, tránh rơi vào cơ chế xin-cho, Thủ tướng nhìn nhận đây là ý kiến xác đáng và cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan, khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn trên cơ sở bám sát các nội dung Luật giao cho Chính phủ thực hiện và sẽ công bố trong thời gian tới.
Có ý kiến nêu Chính phủ và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ hoạt động của đồng bào Phật giáo Việt Nam sinh sống ở nước ngoài. Thủ tướng trả lời, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới nhu cầu văn hóa tâm linh của đồng bào có đạo, trong đó có đồng bào có đạo ở nước ngoài. Các tổ chức tôn giáo cần quan tâm, qua sinh hoạt tôn giáo để đoàn kết cộng đồng, bảo tồn, phát huy văn hóa Việt Nam và các lĩnh vực khác, qua đó xây dựng hình ảnh đẹp của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Về ý kiến liên quan đến công tác triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo Bộ Nội vụ sớm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đến đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo từ Trung ương đến địa phương.
Thủ tướng đề nghị các chức sắc, chức việc, nhà tu hành cũng cần nghiên cứu Luật này để “chúng ta cùng nhau thực hiện tốt pháp luật trên tinh thần thượng tôn pháp luật”.
“Về ý kiến quý vị nêu việc thành lập chi hội trên các đảo thì hiện nay, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo có quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc. Tới đây, khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thì việc thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc được áp dụng tại Điều 28, 29 của Luật này”, Thủ tướng nói.
Trước phản ánh về tình trạng căng thẳng ở một số địa phương thời gian qua, Thủ tướng trả lời, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhưng không chấp nhận hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Đảng, Nhà nước, nhân dân cũng như đồng bào có đạo biết rất rõ ai có thái độ xây dựng, ai có thái độ thiếu xây dựng trước các sự việc của đất nước.
Trong khuôn khổ thời gian hạn hẹp, không thể giải đáp tất cả các vấn đề, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng ghi nhận, xem xét xử lý theo đúng thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng nếu vượt thẩm quyền với tinh thần “không để tình trạng kiến nghị không được trả lời”.
Để triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung.
Thủ tướng nêu rõ cần kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối an ninh trật tự, lợi dụng chống phá Nhà nước, gây cản trở đối với Việt Nam trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/1/2018. Thủ tướng đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo trong thời gian từ nay đến 1/1/2018, đồng thời, quán triệt, tuyên truyền và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện Luật khi có hiệu lực.
Thủ tướng đề nghị phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp, nhân văn, bác ái của các tôn giáo trong đời sống xã hội, làm phong phú và bồi đắp cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam; phát huy nguồn lực trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam nói chung và đồng bào tôn giáo nói riêng trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và lao động sản xuất. Đây vừa là mục tiêu vừa là động lực để chúng ta cùng phấn đấu thực hiện.
Thủ tướng giao Ban Tôn giáo Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chức năng, các địa phương rà soát các cơ chế, chính sách, quy định liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; y tế, giáo dục, dạy nghề, đặc biệt là vấn đề đất đai, xây dựng cơ sở thờ tự; hoạt động quốc tế, pháp nhân của tổ chức tôn giáo… kịp thời đề xuất bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh trong các văn bản pháp luật khác phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo…
“Có thể nói, đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng cho đất nước phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người nhằm góp phần xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh; phát huy các nguồn lực tôn giáo, tạo sức lan tỏa trong xã hội, xây dựng nếp sống văn minh “tốt đời, đẹp đạo” gắn bó đồng hành với dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và phát triển đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện nay, Nhà nước ta đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 39 tổ chức tôn giáo, một pháp môn tu hành, với trên 24 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số. Cả nước có gần 53.000 chức sắc, 133.700 chức việc, 28.000 cơ sở thờ tự. |
Nguồn Chinhphu.vn