Theo báo cáo, mục tiêu 1 triệu DN đến năm 2020 đã không đạt được khi chỉ có 811.538 DN đang hoạt động tại thời điểm 31/12/2020.
Trong năm 2020, số DN đăng ký mới chỉ đạt 134.941 DN, thấp hơn 2,3% so với trong năm 2019, trong khi số lượng tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể cao hơn 13,93% so với năm 2019.
Trước đó, thực hiện Nghị quyết 35, có 41 tỉnh, thành phố đã cam kết về số lượng DN đến năm 2020. Tuy nhiên, sau khi triển khai thực tế chỉ có 17 địa phương đạt hoặc vượt mức đã cam kết.
Một số tỉnh có số lượng DN tăng mạnh như Vĩnh Phúc (168%), Bắc Ninh (185%), Hưng Yên (152%), Bắc Giang (221%), Bình Phước (162%), Bình Dương (163%), Đồng Nai (164%). Ngược lại, một số địa phương có tỉ lệ tăng thấp như Điện Biên (24%), Quảng Trị (38%).
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, nhìn chung các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vẫn được tiếp tục thực hiện, bất chấp bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Lĩnh vực thành lập DN và tiếp cận điện năng vẫn được đánh giá cao nhất và xếp cuối cùng là lĩnh vực phá sản. Tuy nhiên, tốc độ cải thiện dường như chậm lại so với các năm trước và xu hướng thay đổi của các lĩnh vực tương đối trái ngược. Các lĩnh vực có điểm số thấp (phá sản, bảo vệ nhà đầu tư và xuất nhập khẩu) tăng điểm, trong khi các lĩnh vực có điểm cao (thành lập DN, tiếp cận điện năng) lại giảm điểm.
Trong số các thủ tục, thủ tục nộp thuế và bảo hiểm xã hội có sự tiến bộ đáng ghi nhận trong năm 2020. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, ngành thuế đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN (giảm thuế thu nhập DN, gia hạn tiền nộp thuế, tiền thuê đất, giảm phí và lệ phí), với các thủ tục được thiết kế đơn giản, dễ thực hiện. Hệ thống công nghệ thông tin của ngành thuế cũng đáp ứng được nhu cầu tăng cao về nhu cầu thực hiện qua hình thức điện tử.
Trong khi đó, Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực từ tháng 7/2020 được kỳ vọng cải thiện môi trường kinh doanh với cải tiến về thời gian làm thủ tục, cắt giảm nghĩa vụ làm thủ tục hành chính, tháo gỡ các vướng mắc về kê khai và nộp thuế điện tử; bổ sung quy định về quyền được thông tin về thanh, kiểm tra… “Dù vậy, trung bình vẫn có 22% DN gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực thuế như đề nghị miễn, giảm thuế (23% DN gặp phải), hoàn thuế (18%), quyết toán thuế (17%)”, Trưởng ban Pháp chế VCCI nói.
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Giám đốc Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam – Aus4Reform, đánh giá, hoạt động kiểm tra chuyên ngành chuyển biến chậm, cơ chế một cửa chưa thực sự hiệu quả khi DN vẫn phải nộp kèm bản giấy, thiếu kết nối giữa các bộ ngành, hệ thống công nghệ thông tin bị nghẽn.
Đại diện cộng đồng DN, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định, những thách thức đặt ra đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh trong 5 năm tới sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những gì đã làm được. Điều này cũng là quy luật tất yếu. Để bước từ cấp độ thể chế thấp lên thể chế trung bình thì dễ, nhưng để bước từ thể chế trung bình lên thể chế tốt thì khó khăn hơn rất nhiều.
Đại diện VCCI cho rằng, giờ chính là lúc cần có sự chung tay góp sức của tất cả các DN, các hiệp hội DN, các cơ quan, từng cán bộ trong bộ máy nhà nước, không chỉ bằng công sức mà còn phải cả trí tuệ để có thể tiếp tục đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam tiến lên. Đây không chỉ là thách thức đối với Chính phủ, mà còn là thách thức đối với cả các DN, hiệp hội, các chuyên gia để đưa ra được các giải pháp hiệu quả về lâu dài.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng hết sức mình để hản ánh chính xác nhất các diễn biến thực tế, nỗ lực tiếp tục đưa ra các khuyến nghị chính sách có chất lượng, đồng hành cùng Chính phủ và cộng đồng DN trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Theo Chinhphu