Từ năm 2024 đến nay, ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam liên tục ghi nhận những tín hiệu tích cực nhờ định hướng và cơ chế hỗ trợ rõ ràng từ Chính phủ. Đáng chú ý, trong năm 2025, ba nghị định quan trọng lần lượt được ban hành gồm Nghị định 58 về phát triển điện từ năng lượng tái tạo; Nghị định 56 về quy hoạch và đầu tư các dự án điện; và Nghị định 57 về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện tái tạo và khách hàng sử dụng điện quy mô lớn.
Theo TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, các chính sách này đã tháo gỡ nhiều vướng mắc pháp lý tồn đọng, tạo hành lang minh bạch, ổn định cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực điện sạch.
“Trong bối cảnh chi phí điện ngày càng tăng, việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp giảm gánh nặng tài chính, mà còn góp phần bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”, TS Hà Đăng Sơn nhận định.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã chủ động đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà, vừa tiết kiệm chi phí, vừa chủ động nguồn điện sạch. Đặc biệt, phần điện dư được phép bán lại cho đơn vị điện lực, trong khi phần thiếu hụt có thể bổ sung từ lưới điện quốc gia, cơ chế linh hoạt này giúp doanh nghiệp an tâm hơn khi đầu tư. Môi trường chính sách thông thoáng trong năm 2025 không chỉ thúc đẩy năng lượng tái tạo trong nước, mà còn góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đáp ứng yêu cầu xanh hóa chuỗi cung ứng của các thị trường xuất khẩu lớn như EU.
Chia sẻ thêm về xu hướng này, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh cho biết, điện mặt trời mái nhà đang trở thành giải pháp tiết kiệm và chủ động điện hiệu quả cho cả hộ gia đình và doanh nghiệp. Người dân có thể sử dụng điện thoải mái hơn, giảm chi phí điện năng hằng tháng. Còn doanh nghiệp chủ động được nguồn điện ban ngày, và sắp tới được khuyến khích lắp thêm hệ thống lưu trữ để dùng vào ban đêm, đặc biệt khi xảy ra sự cố điện lưới.
Bên cạnh đó, ông Kiên cho biết, theo thống kê, trước năm 2021, TP Hồ Chí Minh có hơn 14.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất khoảng 350 MWp. Khi Nghị định 135/2024 và Nghị định 58/2025 được ban hành, xu hướng đầu tư điện mặt trời đã phục hồi mạnh mẽ. Cụ thể, kể từ khi Nghị định 58/2025 được ban hành, số lượng khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà đã lên gần 500 khách hàng, chủ yếu là các khách hàng lớn với tổng công suất khoảng 46 MWp, tương đương 15% so với giai đoạn trước năm 2021. Dự báo, sản lượng sẽ tiếp tục tăng khi các doanh nghiệp lớn như Samsung, nhà máy trong Khu công nghiệp Đông Nam triển khai diện rộng mô hình này.
“Ngành điện rất mong muốn người dân và doanh nghiệp tiếp tục đồng hành trong việc phát triển năng lượng tái tạo cũng như áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện để giảm chi phí sử dụng điện”, ông Bùi Trung Kiên bày tỏ.
Dưới góc độ nhà quản lý, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh khẳng định, Thành phố đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, trong đó điện mặt trời mái nhà là một trong những trọng điểm.
“Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với ngành điện để tuyên truyền, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, an toàn; đồng thời thực hiện cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch quy trình để người dân dễ dàng tiếp cận chính sách”, bà Kim Ngọc nhấn mạnh.
Theo bà Ngọc, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện vào mùa nóng tăng mạnh, điện mặt trời mái nhà là giải pháp thiết thực giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, đồng thời góp phần vào chiến lược phát triển xanh, bền vững và lộ trình chuyển đổi năng lượng quốc gia. Người dân và doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để chủ động hơn trong sản xuất và sinh hoạt.
Theo diendandoanhnghiep.vn