Thứ Sáu, 22/11/2024 18:56:59 GMT+7
Lượt xem: 3264

Tin đăng lúc 11-08-2017

Thúc đẩy hợp tác và phát triển dịch vụ trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây

Hội thảo “Hợp tác và phát triển dịch vụ trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây”- sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động Hội chợ Quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây- Đà Nẵng 2017, chào mừng thành phố Đà Nẵng đăng cai tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC 2017 vừa diễn ra chiều 10/8 tại Đà Nẵng.
Thúc đẩy hợp tác và phát triển dịch vụ trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây
Hàng hóa của Hành lang kinh tế Đông Tây qua cảng Đà Nẵng mới chỉ chiếm 3% tổng lượng hàng hóa luân chuyển trên tuyến

Hội thảo do Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Sở Công Thương Đà Nẵng phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế Xã hội Đà Nẵng tổ chức, với sự tham dự của đại diện thương mại các nước nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC), các chuyên gia, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp.

 

Tại hội thảo, các chuyên gia, diễn giả đã thông tin những vấn đề liên quan đến hợp tác và phát triển dịch vụ của các nước trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây như tác động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đối với các địa phương trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, chương trình phối hợp của Việt Nam với các nước trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây; các cơ chế, chính sách xây dựng môi trường đầu tư, các triển vọng phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ logistics trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây. Các đại biểu đã cùng trao đổi những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trên tuyến; từ đó, tìm giải pháp thúc đẩy hợp tác mạnh hơn nữa giữa các địa phương trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây.

 

Bà Lê Thị Mai Anh- Vụ Thị trường Châu Á- Thái Bình Dương, Bộ Công Thương cho biết, Cộng đồng Kinh tế ASEAN đi vào hoạt động tạo thuận lợi cho Hành lang kinh tế Đông Tây trong việc đón nhận đầu tư, lưu chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, lao động cũng như là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó các địa phương dọc Hành lang kinh tế Đông Tây có cơ hội phát triển sánh kịp với các tỉnh, thành phố của các quốc gia phát triển trong ASEAN.

 

Tuy nhiên, các địa phương dọc tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây cũng đang phải đối mặt với với nhiều thách thức, đó là cơ sở hạ tầng phát triển không đều, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu, phải cạnh tranh với các nước thành viên; hạ tầng phần mềm chưa bắt kịp sự phát triển của hạ tầng phần cứng, làm giảm nhịp phát triển của Hành lang kinh tế Đông Tây so với các khu vực khác trong ASEAN.

 

Để các địa phương dọc tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây hợp tác phát triển có hiệu quả, bà Mai Anh đề xuất, trong thời gian tới, các thành viên dọc Hành lang kinh tế Đông Tây cần chú trọng chuyển đổi từ hành lang giao thông sang hành lang kinh tế; chú trọng mở rộng các tuyến đường của hành lang, kết nối sâu rộng nhằm mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của địa phương, đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực.

 

Vấn đề nhận được sự quan tâm của các đại biểu là phát triển logistics thông qua Hành lang kinh tế Đông Tây. Ông Nguyễn Hữu Sia- Tổng giám đốc Cảng Đà Nẵng cho biết, mặc dù có tiềm năng rất lớn nhưng hàng hóa của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây đi về Đà Nẵng chỉ chiếm có 3% tổng lượng hàng hóa luân chuyển của tuyến. Trong khi cự ly vận tải từ Nam Lào về Đà Nẵng gần hơn đi về cảng của Thái Lan, Myanmar. Nhưng thực tế hiện nay, hàng hóa lại đi về phía Tây (Thái Lan, Myanmar) nhiều hơn đi về phía Đông.

 

Lý giải cho nghịch lý này, ông Nguyễn Hữu Sia cho rằng, các thủ tục hải quan, nhất là thủ tục hải quan ở cửu khẩu Lao Bảo- Dansavan, mặc dù đã triển khai kiểm tra “một điểm dừng” nhưng thực tế hàng hóa vẫn bị kiểm tra 2 lần, ách ở cửa khẩu lâu gây phát sinh chi phí bến bãi. Bên cạnh đó, hàng hóa chỉ chạy 1 chiều (đa phần chiều đi từ Lào về Việt Nam chở hàng, nhưng chiều Việt Nam – Lào là xe rỗng) gây lãng phí, khiến chi phí vận tải tăng. Ngoài ra, nhân lực trình độ chưa cao cũng là yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế của các địa phương dọc tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây.

 

Các đại biểu đều tán đồng với ý kiến, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng của Hành lang kinh tế Đông Tây 1 và 2, nối thông từ điểm đầu đến điểm cuối trên lãnh thổ Myanmar, sớm hoàn chỉnh khung pháp lý Hoạt động vận tải hàng hóa qua biên giới bằng đường bộ (CBT), đẩy nhanh các cam kết trong AEC giữa các nước trong khối ASEAN; sử dụng công nghệ phần mềm đơn giản hóa các thủ tục thông quan cửa khẩu, và công nghệ này cần được đồng bộ hóa tại các quốc gia. Phối hợp với nước bạn Lào tăng cường hợp tác trong việc trao đổi thông tin và thống nhất các thủ tục hải quan.

 

Ngoài ra, tại hội thảo, các đại biểu còn được lắng nghe chuyên gia Viện Mê Kông trình bày sáng kiến về phát triển hành lang kinh tế và cơ sở dữ liệu doanh nghiệp trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây.

 

Quan hệ hợp tác thương mại giữa Đà Nẵng và các địa phương các nước trên Hành lang kinh tế Đông Tây trong các năm qua đã có bước phát triển. Kim ngạch xuất khẩu hai chiều tăng qua các năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Đà Nẵng sang các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây năm 2016 ước đạt 32,3 triệu USD, 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 27,6 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu từ các nước Hành lang kinh tế Đông Tây vào Đà Nẵng năm 2016 ước đạt 32 triệu, 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 18,5 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm nhựa, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cao su thành phẩm và cần câu cá…

 

Ông Nguyễn Hà Bắc- Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng- cho biết, hợp tác của các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây đạt được nhiều kết quả tích cực, không chỉ dừng lại ở các hoạt động ngoại giao kinh tế, mà còn thể hiện ở nhiều hoạt động văn hóa, xúc tiến đầu tư, các chương trình giao thương, hội chợ triển lãm, khảo sát thị trường giữa các nước…

 

Tuy nhiên, hiệu quả mang lại từ việc phát triển tuyến hành lang này chưa đạt như mong đợi, còn nhiều bất cập, nhiều rào cản chưa thể giải quyết, như vấn đề hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và logistics, hoàn thiện cơ chế chính sách, thủ tục hải quan cũng như giải quyết các vấn đề xã hội…. .

 

Hành lang kinh tế Đông Tây là cơ hội để các quốc gia thành viên liên kết chặt chẽ với nhau, tiếp cận một cách hiệu quả các nguồn lực nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển cho các địa phương dọc tuyến, hướng tới một hành lang hợp tác thống nhất, đặc trưng của khu vực Đông Nam Á và tiểu vùng sông Mekong. Tham gia hành lang này, mỗi quốc gia có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, thu hút đầu tư góp phần vào sự phát triển và thịnh vương chung của cả tuyến.

 

Nguồn Báo Công Thương


Tag:APEC 2017

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang