Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và ông Johannin Ammann cùng bày tỏ vui mừng khi gặp lại nhau bên lề Hội nghị WEF Davos 2018, đồng thời cùng đánh giá quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Sĩ đang phát triển tốt đẹp, hợp tác kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực.
Ông Johann Schneider-Amman nhắc lại những kỷ niệm về đất nước và con người Việt Nam năng động, mến khách, đã để lại ấn tượng sâu sắc khi sang thăm Việt Nam năm 2013 và cho biết sẽ thăm lại Việt Nam trong thời gian tới. Ông Johann Schneider-Amman khẳng định Thụy Sĩ mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam là nước có vai trò và vị thế ngày càng quan trọng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nhằm đưa hợp tác kinh tế hai bên phát triển thực chất, hiệu quả, hai bên bày tỏ mong muốn đẩy nhanh việc thống nhất các quan điểm để đi tới ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với khối EFTA (gồm 4 nước Thụy Sĩ, Liechtenstein, Na Uy và Iceland) trong 6 tháng đầu năm 2018.
“Là một nước quan trọng, có vai trò dẫn dắt trong khối EFTA, chúng tôi mong muốn Thụy Sĩ góp tiếng nói chung để hai bên sớm đi tới hoàn tất các vòng đàm phán”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói với Uỷ viên Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ Johannin Ammann.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh hội nhập quốc tế về kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam đã là thành viên của hơn 10 FTA có tính chất toàn cầu và khu vực. Trong năm 2018, Việt Nam và các bên sẽ kết thúc đàm phán Hiệp định tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định tự do thương mại Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) là những hiệp định tự do thương mại có tiêu chuẩn rất cao và khắt khe về năng lực thực thi chính sách. Việc hợp tác thương mại, đầu tư với Khối EFTA đều là để thực thi đường lối đối ngoại, hội nhập kinh tế rộng mở của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh việc Việt Nam và khối EFTA tham gia trong một FTA chung cần bảo đảm lợi ích cân bằng, hướng tới sự phát triển bền vững cho hai bên.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và tân Chủ tịch điều hành WEF Borge Brende, nguyên là Ngoại trưởng Na Uy.
Được biết từ năm 2009, trên cơ sở tiềm năng hợp tác kinh tế giữa khối EFTA và Việt Nam cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và khối EFTA đã nhất trí sẽ nâng tầm hợp tác kinh tế hai bên thông qua thảo luận một FTA giữa Việt Nam và khối EFTA.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo hai bên, Việt Nam và khối EFTA đã tiến hành nghiên cứu về tình hình thương mại đầu tư, hệ thống pháp luật của các nước tham gia, đánh giá về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước thuộc khối EFTA, đồng thời xem xét quan điểm về đàm phán FTA của mỗi bên, từ đó đánh giá cơ hội và thách thức của mỗi bên trong trường hợp hai bên đàm phán ký kết FTA.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu chung của hai bên đã thống nhất các nội dung của bản Báo cáo tổng hợp, chỉ rõ với cơ cấu kinh tế mang tính bổ sung mạnh mẽ lẫn nhau, việc ký kết FTA sẽ mang lại những lợi ích cho cả hai bên.
Được sự phê duyệt và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua một quá trình làm việc, nghiên cứu và thảo luận cùng với khối EFTA và các đơn vị và tổ chức trong nước có liên quan, Bộ Công Thương thay mặt Chính phủ Việt Nam cùng với khối EFTA tuyên bố chính thức khởi động đàm phán FTA giữa Việt Nam và khối EFTA.
Vào ngày 3/7/2012, khối EFTA đã cùng Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ về việc các nước này công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong bối cảnh hai bên khởi động đàm phán FTA. Quyết định này thể hiện sự công nhận của khối EFTA đối với các nỗ lực đổi mới nền kinh tế của Việt Nam cũng như mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại thông qua việc đàm phán và ký kết FTA giữa hai bên.
Tổng thống Thụy Sĩ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos tháng 12/2016 cũng đã khẳng định mục tiêu sớm kết thúc đàm phán Hiệp định này.
Tính tới nay, hai bên đã có 15 phiên đàm phán, gần nhất là phiên đàm phán diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 9/2017. Theo Bộ Công Thương Việt Nam, phiên đàm phán thứ 16 sẽ diễn ra vào tháng 5/2018 tại Na Uy.
Nguồn Chinhphu