Tuy nhiên để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này không chỉ sự nỗ lực của doanh nghiệp mà còn cần các chính sách đồng bộ.
Unilever Việt Nam hợp tác với ve chai
Tập đoàn Unilever Việt Nam có nhà máy tại Khu Công nghiệp Tây Bắc- Củ Chi đặt mục tiêu, đặt lộ trình từ nay đến năm 2039 sẽ giảm phát thải khí CO2 ra môi trường, giảm phát thải “net-zero”.
Theo bà Lê Thị Hồng Nhi, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Unilever Việt Nam, tập đoàn đã chế tạo những viên nén gỗ sạch để đốt lò hơi thay cho dầu diesel vào năm 2016, góp phần giảm 276 tấn khí thải CO2. Năm 2019, tập đoàn tiếp tục chuyển sang sử dụng nguồn điện xanh thông qua chứng chỉ điện xanh và đến nay đã chuyển đổi sang sử dụng 100% xe nâng điện góp phần giảm 1999 tấn CO2 phát thải hàng năm tại toàn bộ trung tâm phân phối.
Doanh nghiệp cũng tái chế hơn 63% sản phẩm bao bì của Unilever để từ đó giảm 52% nhựa nguyên sinh trong sản phẩm bao bì. Trong 2 năm qua, Unilever đã thu gom và tái chế 20.000 tấn rác thải nhựa.
“Rác thải từ sản phẩm của Unilever đến người tiêu dùng, chúng tôi sẽ có mạng lưới hợp tác thu gom thông qua đội ngũ ve chai. Sau đó, chúng tôi đưa cho Công ty Nhựa Duy Tân phân loại và sản xuất bao bì nhựa tái sinh cho Unilever. Ở Việt Nam chúng tôi đang hướng đến mô hình này” - bà Nhi chia sẻ.
TP.HCM đang xây dựng đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng phát triển bền vững từ năm 2025 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, TP sẽ từng bước tái cơ cấu sản xuất các khu công nghiệp hướng sử dụng công nghệ cao, giảm phát thải, ít thâm dụng lao động. Riêng khu công nghiệp Hiệp Phước, thành phố phát triển theo hướng khu công nghiệp sinh thái.
Tuy nhiên, trong 17 khu công nghiệp, khu chế xuất của TP.HCM thì nhiều khu đã hình thành hơn 20-30 năm nên đa số doanh nghiệp còn sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu. Chuyển đổi sang sản xuất xanh, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện, nguồn lực tài chính để đầu tư thêm thiết bị, công nghệ.
Để chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển công nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn theo ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Shinec, Chủ đầu tư Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền cần xây dựng hệ cộng sinh công nghiệp. Để xây dựng hệ sinh thái này, chúng ta không làm bằng mệnh lệnh hành chính mà nên vận động. Khi các doanh nghiệp thấy được lợi ích họ sẽ làm.
“Tôi lấy ví dụ như bụi khí của thép nếu trước đây doanh nghiệp đem ra ngoài xử lý phải tốn 17 triệu đồng/m3 , trong khi bây giờ có nhà máy trong khu thì khi xử lý doanh nghiệp đem bán bụi khí này lấy được 17triệu đồng/m3. Chúng tôi đã xây dựng thành công được hệ sinh thái cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp. Khi có hệ sinh thái này chúng ta sẽ hoàn thiện được kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải” - ông Điệp nói.
Cần cơ chế, chính sách đồng bộ
Bên cạnh đó, để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ, vì nguồn tín dụng xanh, do chưa có cơ chế, chính sách nên doanh nghiệp khó tiếp cận.
Ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA) cho biết: Hiệp hội cũng kiến nghị Thành phố có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững.
“Chúng tôi cũng kiến nghị với UBND TP.HCM có chính sách cho doanh nghiệp hỗ trợ họ tiếp tục thực hiện các tiêu chí phát triển bền vững hay đầu tư thêm máy móc, thiết bị, công nghệ xử lý rác thải, nước thải, khí thải ra môi trường” - ông Đức nêu ý kiến.
Theo Ths. Phạm Bình An- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, chúng ta đã có chính sách tăng trưởng xanh, nhưng chỉ ở mức định hướng, chứ chưa cụ thể và đồng bộ nên rất khó triển khai thực hiện.
Thúc đẩy chuyển đổi sản xuất xanh cần có những cơ chế chính sách đồng bộ nhằm huy động tốt được nhiều nguồn lực. TP.HCM nên vận dụng tốt chính sách của Nghị quyết 98 để hỗ trợ sản xuất xanh. Trong chuyển đổi sản xuất xanh phải liên kết vùng, ngành.
Riêng vấn đề vốn không chỉ vốn ngân hàng mà còn thí điểm mua bán tín chỉ cacbon và chương trình kích cầu ưu đãi về lãi suất. TP.HCM nên tiên phong thành lập Công ty sàn giao dịch về tín chỉ cácbon. Nếu chúng ta có chính sách pháp lý rõ ràng thì sẽ phát huy tốt các nguồn lực này.
Thạc sĩ Phạm Bình An cho biết: “Nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh cần lớn trong khi ngân sách hạn chế thì vai trò của ngân sách như thế nào chúng ta phải tính toán. Chúng ta kích hoạt cách thức hỗ trợ ra sao? Tính liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau khá yếu, trong đó việc tái sử dụng tuần hoàn phải liên kết với nhau chặt chẽ. Chúng ta còn rất nhiều việc cần phải làm cho doanh nghiệp”.
Sản xuất xanh là xu hướng phải triển bền vững mà nhiều doanh nghiệp đang hướng tới. Tuy nhiên để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này các doanh nghiệp cần có những chính sách đồng bộ. Đồng thời, các doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ với nhau để xây dựng được hệ sinh thái cộng sinh công nghiệp trong các khu công nghiệp để tạo thêm giá trị gia tăng và hướng tới kinh tế tuần hoàn.
Theo VOV