Theo ông Phạm Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính), việc xây dựng và ban hành Nghị định 32/2019/NĐ-CP nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) và đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, quy định một cách toàn diện, thống nhất về các vấn đề liên quan đến cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công, tạo công bằng, minh bạch trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN.
Nghị định số 32/2019/NĐ-CP đã cụ thể hóa các chủ trương, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ của các đơn vị SNCL và đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công. Trong đó có nội dung đổi mới cơ bản về giá và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công để đơn vị SNCL có thể tiến tới hạch toán đầy đủ, từ đó chuyển sang cơ chế tự chủ ở mức cao hơn, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; đối với loại dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN sẽ do Nhà nước ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công và Nhà nước định giá.
Bên cạnh đó Nghị định 32 đồng thời quy định lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công để phù hợp với khả năng của NSNN và thu nhập của người dân; đổi mới phương thức giao dự toán chi thường xuyên từ ngân sách cấp cho các đơn vị SNCL sang thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo kết quả nhiệm vụ, dựa trên hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng của từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công, đơn giá dịch vụ sự nghiệp công. Kinh phí giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu là nguồn thu để chi phí hoạt động thường xuyên của đơn vị SNCL…
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định trách nhiệm của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn về chi phí tiền lương, chi phí nhân công trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích và chi phí tiền lương, tiền công trong đơn giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN đối với doanh nghiệp được hợp đồng đặt hàng, đấu thầu (hoặc được giao nhiệm vụ trong trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định).
Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, căn cứ các quy định chung về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; sản phẩm, dịch vụ công ích tại Nghị định này có thể quy định chi tiết, bổ sung thêm các nội dung về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cho phù hợp với yêu cầu quản lý và tính chất đặc thù của từng lĩnh vực chuyên ngành và pháp luật khác có liên quan.
Theo Nghị định 32, Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN chi tiết theo ngành, lĩnh vực, không chi tiết từng danh mục cụ thể, với lý do hiện nay ở Trung ương và địa phương chưa ban hành đầy đủ danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN thuộc phạm vi quản lý (các Bộ, địa phương vẫn đang tiếp tục xây dựng danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền).
Để bảo đảm thực hiện được ngay các quy định tại Nghị định, tránh việc phải chờ văn bản hướng dẫn, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, xây dựng Nghị định theo hướng quy định chi tiết các nội dung, không giao cho các Bộ hướng dẫn chi tiết thêm. Trong đó, đáng chú ý là Nghị định đã quy định cụ thể: Mẫu Quyết định đặt hàng và Biên bản nghiệm thu đặt hàng; Mẫu Hợp đồng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN (hoặc sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích) và Biên bản nghiệm thu, thanh lý Hợp đồng.
Vai trò của tư nhân trong cung cấp dịch vụ công cũng được quan tâm hơn trong Nghị định 32. Các chuyên gia cũng cho rằng huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào cung cấp các dịch vụ công sẽ mang đến nhiều lợi ích. Điều này phù hợp với chủ trương “thoái sức” Nhà nước ra khỏi lĩnh vực dịch vụ công không cần thiết, thu gọn bộ máy quản lý nhà nước theo đúng chức năng cốt lõi.
Thực tế, hiện còn rất nhiều dịch vụ công đang do các cơ quan nhà nước thực hiện trong quy trình gần như khép kín, gắn với chức năng quản lý nhà nước, như các hình thức cấp phép, thẩm định năng lực… Cách làm này nhiều khi đẩy cơ quan nhà nước vào thế vừa làm luật, vừa giám sát và vừa là người chơi.
Trong khi đó, trong nhiều trường hợp, khu vực tư nhân thể hiện vai trò sử dụng hiệu quả đồng vốn tốt hơn so với khu vực công. Cụ thể, khu vực tư nhân có cơ chế giám sát tài chính chặt chẽ trong quá trình triển khai, vận hành dự án, giảm thiểu thất thoát vốn, giảm tối đa chi phí vận hành, duy trì dự án.
Theo congthuong.vn