Theo tìm hiểu của phóng viên, tại một số cửa hàng ở quận Đống Đa, Thanh Xuân… luôn sẵn có nhiều thiết bị siêu tiết kiệm điện để giới thiệu và bán cho khách hàng. Các sản phẩm đều được quảng cáo giảm tới hơn 40% lượng điện tiêu thụ trong gia đình. Nhân viên một cửa hàng trên phố Nguyên Hồng, quận Đống Đa quảng cáo một thiết bị nhỏ như chuột máy tính nhưng có khả năng tiết kiệm lên tới gần 50% lượng điện một cách dễ dàng, chỉ bằng cách cắm vào ổ điện trống trong nhà. Giá khuyến mãi còn 3,6 triệu đồng. Tuy nhiên, nam nhân viên không hề giới thiệu rõ nguồn gốc sản phẩm. Người nhân viên khẳng định: “Nguyên lý tiết kiệm điện của thiết bị này dựa theo nguyên lý lọc sóng hài, thiết bị tiêu thụ điện cũ sẽ hao phí điện nhiều hơn, sản phẩm này giúp lọc sóng hài giảm hao tổn điện năng”. Ngoài ra, thực hiện tìm kiếm qua công cụ Google, với từ khóa “thiết bị tiết kiệm điện”, trong vòng chưa đầy nửa giây đã cho ra khoảng 53.600.000 kết quả sản phẩm liên quan. Trong thời đại bùng nổ công nghệ 4.0, việc bán hàng qua mạng sẽ tiếp cận một lượng khách hàng vô cùng lớn, hiệu quả cao, nhưng việc kiểm soát chất lượng đối với các sản phẩm này lại khó khăn hơn, người mua hàng khó kiểm tra chất lượng hàng hóa. Hiện tại, các thiết bị đó hiện vẫn còn chưa được cơ quan có chức năng chuyên môn chứng nhận về hiệu quả tiết kiệm điện, đồng thời, qua quá trình sử dụng thực tế, nhiều người tiêu dùng cho biết các thiết bị hoàn toàn không thể giảm điện năng tiêu thụ như quảng cáo.
Anh Phạm Đông (Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội), một người đã mua và sử dụng thiết bị tiết kiệm điện Electricity Saving Box cho biết: “ Tôi mua sản phẩm với 550.000đ, đó là đã được giảm 40%, giá họ giao bán cả gần triệu đồng, hơn tiền điện nhà tôi một tháng. Tôi nghĩ, chắc sản phẩm có giá trị nên có giá cao, đọc bài viết quảng cáo cũng thấy có lý nên đã mua về dùng. Nhưng về tôi cắm vào ổ điện dùng, tháng sau không thấy có tác dụng gì, hóa đơn nhà tôi còn tăng lên”.
Trưởng bộ môn thiết bị điện - điện tử, Khoa Điện (Đại học Bách khoa Hà Nội) ông Trần Văn Thịnh cho biết: Thiết bị nào khi cắm vào nguồn điện cũng tiêu thụ một lượng điện nhất định. Về nguyên lý, các thiết bị đó chỉ giúp chế độ tải của các thiết bị hoạt động tốt hơn. Trong các nghiên cứu và thực tế hiện nay mới chỉ thực hiện tiết kiệm được từ 1 - 5% lượng điện tiêu thụ là rất nhiều. Với thiết bị tiết kiệm điện chỉ với bằng một ít vẩy nhựa đen bôi lên, với vài con tụ và cuộn dây... trong kết cấu mà lại có thể tiết kiệm tới 40 - 50% lượng điện tiêu thụ thì chỉ có thể là trò lừa bịp.
Trước thông tin phản ánh về các sản phẩm tiết kiệm điện, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua bán, sử dụng các thiết bị được quảng cáo có chức năng tiết kiệm điện. Đồng thời, nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm điện bằng các giải pháp mà các cơ quan quản lý nhà nước và ngành điện đã khuyến cáo như: tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa, bếp đun điện, bình đun nước nóng…), khi bật điều hoà làm mát chỉ đặt ở mức 26-27 độ C trở lên và sử dụng quạt kết hợp. Sử dụng các thiết bị tiêu thụ ít điện năng được gắn nhãn tiết kiệm năng lượng do Bộ Công Thương kiểm định, không sử dụng các thiết bị sản phẩm tiết kiệm điện nhập khẩu trôi nổi ngoài thị trường. Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi, giám sát mức tiêu thụ điện hàng tháng của gia đình. Trường hợp có sự gia tăng đột biến, cần phản ánh tới đơn vị cung cấp điện lực trên địa bàn hoặc khiếu nại tới các cơ quan nhà nước để kịp thời làm rõ nguyên nhân và có hình thức xử lý phù hợp.
Ngọc Hân