Thứ Bẩy, 23/11/2024 14:36:54 GMT+7
Lượt xem: 1254

Tin đăng lúc 23-05-2022

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe MADHU: Nhiều dấu hiệu quảng cáo gây nhầm lẫn sản phẩm là thuốc

Bất chấp các quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK), nhiều trang mạng đang quảng cáo sản phẩm TPBVSK MADHU như thuốc chữa tiểu đường.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe MADHU: Nhiều dấu hiệu quảng cáo gây nhầm lẫn sản phẩm là thuốc
Quảng cáo dễ gây nhầm lẫn

 

Để quản lý hoạt động quảng cáo, Nhà nước đã ban hành các quy định cụ thể: Ngày 10/12/2018, Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Luật Quảng cáo số 47/VBHN-VPQH nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo... Trong đó, tại Khoản 9, Điều 8 quy định hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo: Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

 

Ngoài ra, tại Khoản 1, Điều 10, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12 ngày 17/11/2010, quy định hành vi bị cấm: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo, hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung sau đây: Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp; Uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; Nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

 

Từ những quy định cụ thể nêu trên, tham chiếu vào các nội dung quảng cáo sản phẩm TPBVSK MADHU trên các trang mạng, nhận thấy có nhiều dấu hiệu quảng cáo sản phẩm gây nhầm lẫn, lừa dối người tiêu dùng.

 

Sản phẩm TPBVSK MADHU được Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cấp Giấy tiếp nhận công bố số 508/2022/ĐKSP ngày 27/01/2022 là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không phải là thuốc chữa bệnh. Sản phẩm được sản xuất tại Công ty cổ phần BIGFA, do Công ty TNHH Thương mại BTG chịu trách nhiệm công bố.

 

Mặc dù chỉ là sản phẩm TPBVSK mới được công bố, nhưng trên nhiều các trang mạng như: www.mahu.word, www.vienhoanmadhu.com, các trang Facebook: Madhu đánh bay tiểu đường - Hạ thấp đường huyết đồng hành cùng VTV2; Viên hoạt tiểu đường Ấn độ madhu, madhu - Tiểu đường Ấn Độ; Viên uống tiểu đường MADHU Hạ thấp đường huyết quét sạch biến chứng; Viên uống tiểu đường Madhu - Giúp hạ đường huyết, MADHU - Xua tan tiểu đường…, Giảm tiểu đường thần tốc - Viên uống madhu Ấn Độ... đang quảng cáo sản phẩm có tác dụng giống như thuốc, điều trị bệnh tiểu đường.

 

 

 

 

Những sản phẩm do Công ty TNHH Thương mại BTG quảng cáo gây nhầm lẫn

 

Đơn cử, tại website: www.madhu.word quảng cáo: Viên hoàn MADHU giải pháp kiểm soát bệnh tiểu đường, Sản phẩm điều trị duy trì liên tục viên hoàn MADHU dùng kết hợp đối với chế độ ăn uống, tập luyện để điều trị bệnh đái tháo đường chính là hướng đi tốt nhất cho những người đã và đang bị bệnh tiểu đường. Tác dụng: Kháng khuẩn, chống viêm bảo vệ thành mạch máu, ngăn ngừa các biến chứng bệnh lý tiểu đường hiệu quả. Công dụng chính của viên hoàn MADHU: Tác dụng hạ đường huyết, ổn định đường huyết, tăng cường chuyển hóa đường và hỗ trợ đào thải độc tố, ngăn ngừa các biến chứng tiểu đường ở thận, giảm nguy cơ biến chứng tiêu đường…

 

Theo khoản 1, Điều 3 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018, Quy định chi tiết một số  điều của Luật An toàn thực phẩm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh. 

 

Như vậy có thể thấy, đơn vị quảng cáo sản phẩm TPBVSK MADHU tại các trang mạng nêu trên đang “biến” sản phẩm này thành thuốc, có tác dụng điều trị bệnh, hoàn toàn trái ngược với nội dung được cấp phép.

 

Một góc độ khác, Công ty TNHH Thương mại BTG là đơn vị đăng ký công bố sản phẩm không hoạt động tại địa chỉ Tầng 7, số 87, Vương Thừa Vũ, Thanh Xuân, Hà Nội. Vậy trong trường hợp người tiêu dùng tin vào những quảng cáo tại các trang mạng, mua và dùng sản phẩm hiệu quả không như quảng cáo thì tìm đến đâu để tư vấn? Nếu mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì ai là người chịu trách nhiệm?

 

Bệnh tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường được xếp vào một trong những bệnh mãn tính nguy hiểm gây tử vong hàng đầu ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 5 triệu người đang mắc phải bệnh tiểu đường và con số này còn tiếp tục gia tăng nếu như người dân không biết cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của mình. Người tiêu dùng cần thận trọng khi mua và sử dụng các sản phẩm được quảng cáo tràn lan, không đúng với giấy phép được cấp trên các trang mạng, tránh để bệnh tình tiến triển tiêu cực, hoặc gây biến chứng nguy hiểm.

 

Thiết nghĩ, khi sản xuất, kinh doanh các sản phẩm vì sức khỏe con người, các đơn vị cần thượng tôn pháp luật, giữ đạo đức kinh doanh, đừng vì lợi nhuận mà quảng cáo bất chấp gây tổn hại đến sức khỏe, tiền bạc của người tiêu dùng, vì đó là hình thức kinh doanh chộp giật, không bền vững. Qua đây, cũng xin cảnh báo để người tiêu dùng thận trọng mỗi khi sử dụng các sản phẩm quảng cáo, mà chỉ nên dùng những sản phẩm của những cơ sở sản xuất và nhà thuốc có uy tín, để tránh rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang”.

 

NM

 

 

 

 

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang