Chủ Nhật, 24/11/2024 18:51:55 GMT+7
Lượt xem: 1329

Tin đăng lúc 03-01-2020

Thực phẩm chức năng sẽ không được quảng cáo "lộng ngôn"

“Bộ Công Thương tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng, thuốc theo phương thức bán hàng đa cấp, thương mại điện tử, quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng, thuốc; xử lý nghiêm các sai phạm” - là chỉ đạo trong Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm
Thực phẩm chức năng sẽ không được quảng cáo "lộng ngôn"
Lực lượng Quản lý thị trường liên tục phát hiện, bắt giữ các vụ vận chuyển, kinh doanh thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc (Ảnh minh hoạ)

“Loạn” quảng cáo thực phẩm chức năng

 

Theo thống kê, từ đầu năm 2000, thực phẩm chức năng bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam những chỉ sau gần 20 năm, hiện nay đã có gần 4.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, tạo ra áp lực cạnh tranh gay gắt, đi kèm đó là nhiều hình thức quảng cáo, giới thiệu sản phẩm để thu hút khách hàng.

 

Yêu cầu tìm kiếm cụm từ “Thực phẩm chức năng”, chỉ trong 0,57 giây, Google đã cho ra tới 171 kết quả. Điều này hoàn toàn không bất ngờ bởi ngành sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng tại Việt Nam đã thực sự bùng nổ với hàng nghìn chủng loại cho mọi đối tượng người tiêu dùng.

 

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm ở đây, theo nhiều chuyên gia, là nhiều loại thực phẩm chức năng (một cách gọi khác là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ) đang được “thần thánh hóa”, coi như là sản phẩm vạn năng, trị bách bệnh được quảng cáo rầm rộ trên rất nhiều kênh, trong đó, trên các trang website và mạng xã hội (Facebook, Zalo…) chiếm phần lớn, khiến người tiêu dùng như lạc vào “ma trận” trong khi cơ quan chức năng phải “mướt mồ hôi” tìm cách quản lý.

 

Thực tế, từ những quảng cáo “lộng ngôn” về tính năng, tác dụng của các loại thực phẩm chức năng, thậm chí, người ta sẵn sàng mạo danh, mượn hình ảnh của cán bộ, nhân viên y tế đang làm việc tại bệnh viện, cơ sở y tế để gắn vào nội dung quảng cáo hoặc nhắn tin, gọi điện hoặc cung cấp các đường link website, Facebook, số điện thoại tổng đài giả mạo bệnh viên cho người bệnh nhằm mục đích quảng cáo thực phẩm chức năng.

 

Và không hiếm trường hợp các đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng đã đưa hình ảnh giấy công bố sản phẩm của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế ký xác nhận dù Cục An toàn thực phẩm chưa nhận và cũng chưa ký xác nhận công bố sản phẩm đó bao giờ.

 

Với những chiêu trò tinh vi như vậy, không ít người đã bỏ khá nhiều tiền mua với niềm tin sẽ chưa khỏi bệnh, nhưng kết quả nhận được là sự thất vọng. Nguy hiểm hơn, vì tin và sử dụng thực phẩm chức năng như là thuốc nên rất nhiều bệnh nhân đã không đến cơ sở y tế để điều trị và bỏ lỡ thời điểm điều trị hiệu quả nhất, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tính mạng của bản thân.

 

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - đã khẳng định: “Sản phẩm thực phẩm chức năng nào quảng cáo chữa khỏi hẳn bệnh là hoàn toàn sai vì thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ người bệnh”.

 

Xử lý nghiêm vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật

 

Trước “vấn nạn” này, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn, xử lý. Điển hình, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, căn cứ trên cơ sở phân công trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp được quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Y tế trong công tác quản lý sản phẩm thực phẩm chức năng, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc phân phối thực phẩm chức năng theo phương thức kinh doanh đa cấp. Bộ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan cùng phối hợp tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để kiểm tra hoạt động của những doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp có bán các loại thực phẩm chức năng, đồng thời tăng cường trao đổi thông tin, kiểm soát và giám sát chặt chẽ các nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Trong khi đó, Bộ Y tế đã "bắt tay" Facebook "dẹp loạn" quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật bằng việc đề nghị cam kết phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam để gỡ và đóng các trang website, tài khoản vi phạm.

 

Bộ Y tế cũng thiết lập đường dây nóng với cơ quan quản lý của facebook tại Việt Nam để xử lý nhanh nhất những kiến nghị về vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật trên mạng xã hội.

 

Quyết liệt hơn, Văn phòng Chính phủ vừa công bố Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm với việc giao cho Bộ Công Thương tăng cường thanh tra doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng, thuốc theo phương thức bán hàng đa cấp, thương mại điện tử, quảng cáo sai sự thật và xử lý nghiêm các sai phạm.

 

Về quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện việc rà soát, lập danh mục các quảng cáo sai sự thật, phản cảm trên truyền hình, trên các phương tiện thông tin đại chúng, quảng cáo và bán hàng đa cấp các loại thực phẩm chức năng, thuốc không rõ nguồn gốc và có nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm, có biện pháp xử lý phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

Trong khi đó, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao thực hiện việc thông báo công khai và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân quảng cáo sai sự thật, quảng cáo có nội dung phản cảm các loại thực phẩm chức năng, thuốc trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội.

 

Theo Báo Công Thương

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang