Cơ hội lớn, thách thức nhiều
Ngày 15/11/2020, Bộ trưởng Kinh tế của 15 quốc gia thành viên Hiệp định RCEP bao gồm 10 nước ASEAN và 5 đối tác đã có HIệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand – trừ Ấn Độ đã ký kết Hiệp định. Sự kiện này mang nhiều ý nghĩa tích cực, sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Đặc biệt, việc ký kết và thực thi Hiệp định RCEP được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình phục hồi nền kinh tế khu vực sau đại dịch Covid-19.
RCEP là FTA có quy mô lớn nhất hiện nay mà Việt Nam tham gia. RCEP bao phủ 30% dân số thế giới, chiếm 32% GDP toàn cầu. Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và áp dụng một quy tắc xuất xứ (QTXX) chung giữa 15 nước (thay vì áp dụng năm bộ QTXX theo năm FTA của ASEAN+1 như hiện nay) giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại.
Khi RCEP được thực thi sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, từ đó gia tăng xuất khẩu trong khu vực, đặc biệt là ở các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand...
Tuy nhiên, việc tham gia các FTA nói riêng và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung cũng đặt ra không ít thách thức đối với doanh nghiệp khi bước vào “sân chơi” kinh tế lớn. Theo đó, bên cạnh những ưu đãi về giảm thuế, các đối tác trong FTA của Việt Nam đều thuộc nhóm những nước sử dụng công cụ phòng vệ thương mại (PVTM) trên thế giới, do đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ bị các nước đối tác điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM nhiều hơn. Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, việc chủ động ứng phó và vận dụng hiệu quả các biện pháp PVTM là giải pháp giúp doanh nghiệp thoát khỏi các vụ kiện và đảm bảo giữ vững thị phần, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng.
Tại Hiệp định RCEP, liên quan đến nội dung PVTM được quy định tại chương 7 của Hiệp định. Đại diện Cục PVTM, Bộ Công Thương - cho biết, nội dung Chương PVTM của Hiệp định RCEP về cơ bản phù hợp với các cam kết của Việt Nam ở WTO và pháp luật Việt Nam về PVTM. Theo đó, các biện pháp gồm: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ toàn cầu được quy định theo hướng bảo lưu nghĩa vụ các bên theo cam kết WTO và bổ sung một số cam kết cụ thể về thông báo, tham vấn, cấm sử dụng phương pháp Quy về không, công bố dữ liệu trọng yếu, xử lý thông tin mật và thủ tục thẩm tra tại chỗ.
Cụ thể, về tự vệ: Không áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan hoặc hạn chế định lượng, không muộn hơn 3 năm trước khi kết thúc giai đoạn chuyển đổi thì Uỷ ban Hàng hoá có thể thảo luận, rà soát việc thực thi, trong đó có vấn đề về thời hạn của biện pháp; không áp dụng biện pháp trong vòng 1 năm kể từ khi giảm/xoá bỏ thuế; không áp dụng biện pháp tự vệ chuyển tiếp hoặc biện pháp tự vệ chuyển tiếp tạm thời với hàng hoá của 1 bên nếu hàng hoá từ bên đó không vượt quá 3% tổng nhập khẩu hàng hoá đó của nước nhập khẩu từ tất cả các bên với điều kiện các bên có thị phần dưới 3% cộng lại không chiếm hơn 9%...
Đối với chống bán phá giá/chống trợ cấp, hiệp định quy định cụ thể về thời gian thông báo, hồ sơ công khai dưới dạng bản cứng hoặc bản mềm; đồng thời quy định cụ thể về thời gian thông báo nhận hồ sơ đầy đủ hợp lệ trước khi khởi xướng điều tra chống bán phá giá (7 ngày); quy định cụ thể về việc thông báo trước khi khởi xướng điều tra trợ cấp ít nhất 20 ngày trước ngày khởi xướng; công bố dữ liệu trọng yếu, gồm các quy định cụ thể về thời gian (ít nhất 10 ngày trước khi có quyết định cuối cùng), quy định về việc mời tham vấn, cung cấp hồ sơ công khai, tóm tắt thông tin mật giống với WTO...
Tự tin trên “sân chơi” mở rộng
Trong năm 2021, nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam tiếp tục gặp nhiều thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra. Trước bối cảnh đó, các quốc gia không ngừng gia tăng chính sách bảo hộ nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước, do đó số lượng các vụ việc điều tra PVTM cả hai chiều không ngừng gia tăng. Theo ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục PVTM, điều này sẽ khiến cho các ngành hàng sản xuất trong nước đứng trước những thách thức, khó khăn mới, nhất là khi thực hiện các cam kết từ nhiều FTA, trong đó có RCEP có mức độ cạnh tranh khốc liệt.
Ông Chu Thắng Trung khuyến nghị thêm, việc bị áp thuế PVTM sẽ dẫn tới giá xuất khẩu hàng hóa bị áp thuế từ Việt Nam tăng lên đáng kể, làm giảm sức cạnh tranh của hàng nhập khẩu từ Việt Nam so với hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường không bị áp thuế khác. Thậm chí, trong trường hợp khả quan, khi bị áp dụng biện pháp PVTM với mức thuế thấp, một số doanh nghiệp vẫn có thể duy trì được thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu có thể không gia tăng như kỳ vọng, hay nói cách khác, biện pháp PVTM sẽ làm kìm hãm tốc độ gia tăng xuất khẩu.
Do vậy, nhiều khuyến cáo đã đưa ra đối với doanh nghiệp, đó là muốn tham gia “sân chơi” mở rộng như RCEP, đòi hỏi cần nắm vững quy định pháp lý để hạn chế rủi ro và những nguy cơ tiềm ẩn khi ký kết hợp tác với đối tác nước ngoài; chủ động tìm hiểu các vụ kiện hay tranh chấp thương mại để nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm. Ngoài ra, cần tìm hiểu kỹ, chính xác mọi thông tin của đối tác về năng lực tài chính và các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, nhằm bảo đảm quá trình giao kết hợp đồng được đúng thủ tục pháp lý, quy định pháp luật và hài hòa lợi ích của các bên.
Đặc biệt, để giảm bớt những vụ việc về PVTM, doanh nghiệp cần đẩy mạnh những nhóm hàng Việt Nam chủ động nguồn cung và có giá trị gia tăng cao, có nhiều cơ hội tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh như nông sản - thực phẩm, thủy sản, thiết bị y tế. Doanh nghiệp đảm bảo kiểm soát chặt chẽ chất lượng, chủ động đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền chế biến sâu, gia tăng giá trị cho sản phẩm.
Thực tế, qua các vụ khởi xướng điều tra thời gian qua đối với hàng xuất khẩu Việt Nam đều cho thấy, các vụ khởi xướng điều tra có thể bắt đầu với bị đơn là một hoặc một vài doanh nghiệp nhưng nguy cơ thiệt hại cho cả ngành hàng là rất lớn, nên các doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi thông tin, tích cực phối hợp với hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý nhà nước để cùng giải quyết hiệu quả. Hơn nữa, các biện pháp đối phó với PVTM nếu được chuẩn bị chủ động sẽ khiến doanh nghiệp lớn mạnh hơn.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp hạn chế những nguy cơ khi thực thi các FTA, nhất là Hiệp định RCEP, ông Chu Thắng Trung - cho hay, Cục PVTM sẽ phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền tới cộng đồng doanh nghiệp về PVTM, nhất là Đề án về nâng cao năng lực PVTM trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới; tăng cường cảnh báo sớm về PVTM, trong đó chú trọng hoạt động cung cấp thông tin cảnh báo sớm cho các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp.
Theo Congthuong.vn