Thứ Sáu, 22/11/2024 18:27:23 GMT+7
Lượt xem: 29856

Tin đăng lúc 23-08-2015

Thực trạng và giải pháp phát triển sản phẩm làng nghề Việt Nam

Làng nghề là một tài sản quý báu của dân tộc ta. Trong thời kỳ mới, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng (tháng 1-2011) tiếp tục phát triển bền vững đất nước, làng nghề có vị trí và vai trò rất quan trọng. Trước yêu cầu của tình hình mới, cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, làng nghề cũng phải tái cấu trúc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn.
Thực trạng và giải pháp phát triển sản phẩm làng nghề Việt Nam
Làng nghề hoa giấy Thanh Tiên, Thừa Thiên Huế

 

Theo lịch sử đã ghi lại, nhiều ngành nghề thủ công đã xuất hiện ở nước ta từ hàng trăm năm nay, có nghề từ hàng nghìn năm nay; từ đó, cũng đã hình thành các làng nghề; mỗi làng nghề mang đặc trưng của nghề ấy. Tiêu biểu là những làng nghề Lụa Vạn Phúc, Gốm sứ Bát Tràng, chạm khảm Chuôn Ngọ, gò đồng Đại Bái, vàng bạc Châu Khê ở miền Bắc; làng thêu Huế, đồ gỗ và đúc đồng Phước Kiều, thổ cẩm Mỹ Nghiệp, gốm Bàu Trúc ở miền Trung, dệt thổ cẩm Châu Phong, đường thốt nốt An Giang; gốm Đồng Nai; gốm sứ Bình Dương; kẹo dừa Bến Tre ở miền Nam…, rất nhiều làng nghề nổi tiếng, không thể kể hết. Giá trị to lớn của làng nghề thể hiện trên các mặt sau đây:

 

Trước hết và quan trọng nhất là giá trị văn hóa. Điều này cần được nhấn mạnh, vì mỗi đất nước trường tồn trong lịch sử nhân loại trước hết là do những giá trị văn hóa của dân tộc. Hơn nữa, đất nước ta, dù đã trải qua nhiều năm bị nước ngoài đô hộ và dùng nhiều phương kế để “đồng hóa”, song dân tộc ta vẫn giữ vững bản sắc văn hóa của mình, không bị “đồng hóa”. Lịch sử đã chứng minh: đất nước trường tồn vì giữ được bản sắc văn hóa của mình; khi bị văn hóa ngoại lai xâm chiếm, thì đất nước rất dễ suy vong. Đây là niềm tự hào và đồng thời đề ra cho thế hệ chúng ta trách nhiệm bảo tồn và phát huy văn hóa của dân tộc. 


Trong các sản phẩm làng nghề, tinh hoa văn hóa đã thể hiện rất rõ: đó là những hoa văn tinh tế, màu sắc rực rỡ; những kỹ thuật chế tác độc đáo; đội ngũ nghệ nhân lưu giữ và truyền nghề cho thế hệ kế tiếp (được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO tuyên dương là “báu vật nhân văn sống”); những lễ hội tôn vinh các vị Tổ nghề; những truyền thống tốt đẹp của “văn hóa làng” trong làng nghề,… Chúng ta tự hào về tinh hoa văn hóa Việt trong các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống cũng như trong làng nghề không những không bị đồng hóa mà vẫn được bảo tồn và phát huy trong các thời kỳ phát triển của đất nước.

 

Làng nghề góp phần tăng thu nhập cho cư dân nông thôn. Trong nông thôn hiện nay, thời gian nông nhàn còn nhiều; hàng năm lại có thêm nhiều người đến tuổi lao động; quá trình đô thị hóa đang làm giảm đất trồng trọt, người dân không còn đất canh tác tăng lên… Do đó, nếu không có việc làm tại chỗ, thanh niên buộc phải di chuyển vào thành thị, gây ra những vấn đề xã hội lớn rất khó giải quyết. Trong khi đó, nếu có nghề thủ công tại chỗ, họ có thêm việc làm, thêm thu nhập (thường cao gấp rưỡi đến hai lần so với thu nhập từ nông nghiệp), gắn bó hơn với nông thôn.

 

Trong tình hình hiện nay, cần đẩy mạnh thực hiện chủ trương của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, thì việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn càng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội.

 

Làng nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Quá trình công nghiệp hóa là quá trình chuyển dịch lao động từ năng suất thấp sang năng suất cao, từ cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang cơ cấu công nghiệp và dịch vụ chiếm phần lớn. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của nền kinh tế cũng từ đó mà được bảo đảm. Đồng thời, bộ mặt nông thôn cũng từ đó mà khởi sắc: kinh tế và văn hóa phát triển, đời sống nâng cao, nông thôn khang trang, tươi đẹp, tệ nạn xã hội không còn. 

 

Làng nghề góp phần vào kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng GDP của cả nước. Đến nay, hàng hóa thủ công nước ta đã có mặt trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, từ hàng gốm sứ, đồ gỗ, mây tre đan, hàng đan lát đến nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác (kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ năm 2011 ước đạt khoảng trên 1 tỷ đôla Mỹ, ngoài ra còn gỗ và đồ gỗ khoảng 2 tỷ đôla Mỹ, trong kế hoạch tổng kim ngạch xuất khẩu là 74,8 tỷ đôla Mỹ). Nước ngoài chuộng hàng thủ công nước ta vì những giá trị văn hóa thể hiện trong mỗi sản phẩm hàng hóa, khác biệt so với nước khác. Nhiều làng nghề cũng là những điểm du lịch hấp dẫn khách nước ngoài, nhiều địa phương có thể kết hợp du lịch làng nghề với du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, góp phần xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, vừa phát triển làng nghề, vừa tăng thêm sản phẩm du lịch và tăng thu nhập cho nhân dân địa phương. 

 

  1. Tái cấu trúc làng nghề: Qua những năm đổi mới, nền kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng và đáng tự hào. Đó là thành quả của quá trình lao động kiên trì của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hiện nay, trước những yêu cầu mới của sự phát triển, do yêu cầu của bản thân nền kinh tế và xã hội nước ta và do yêu cầu hội nhập ngày càng sâu vào thị trường thế giới, nền kinh tế nước ta phải thực hiện tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; cụ thể là: chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng, dựa vào đầu tư vốn hiệu quả thấp, lao động giá rẻ và tài nguyên thô sang phát triển theo chiều sâu, với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Những lĩnh vực chủ yếu cần phải tái cấu trúc mạnh là: (i) Tái cấu trúc đầu tư, giảm đầu tư công, khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân; (ii) Tái cấu trúc doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước, chuyển mạnh sang phát triển theo chiều sâu; (iii) Tái cấu trúc lĩnh vực tài chính, tiền tệ: cải tiến các sắc thuế, đổi mới hoạt động của ngân hàng; cải tiến thu, chi ngân sách nhà nước; đổi mới cơ chế quản lý giá cả, tỷ giá, lãi suất…

 

2. yêu cầu tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế, mô hình làng nghề nước ta cũng phải chuyển đổi: (i) Đối với sản phẩm, chuyển từ sản xuất phân tán, nặng về số lượng, chất lượng sản phẩm thiếu ổn định, hiệu quả kinh tế thấp sang nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, tăng thêm giá trị gia tăng của hàng hóa; (ii) Đối với doanh nghiệp làng nghề và làng nghề, chuyển từ sản xuất kinh doanh riêng rẽ sang mở rộng liên kết, liên doanh, kể cả trong sản xuất và trong phân phối; đẩy mạnh thực hiện các hoạt động trên cơ sở lợi ích của cộng đồng. 

 

Đây là một sự chuyển đổi cần thiết, rất cơ bản và toàn diện nhằm đưa làng nghề lên một bước phát triển mới, song rất khó khăn, vì làng nghề chúng ta vốn đang có nhiều yếu kém, bất cập: vốn liếng khó tiếp cận; mặt bằng cho sản xuất chật hẹp; môi trường bị ô nhiễm nặng nề; thị trường chưa được mở rộng; trình độ quản lý chậm được nâng cao,… Để thực hiện sự chuyển đổi nói trên, xin đề nghị các địa phương và làng nghề một số việc cần xúc tiến như sau:

 

- Một là, tái cấu trúc sản phẩm làng nghề: Tái cấu trúc sản phẩm gồm hai loại việc chủ yếu: (i) Soát xét lại danh mục sản phẩm hiện có, trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu của thị trường mà xác định những sản phẩm chủ lực cần duy trì và phát triển, những sản phẩm không có thị trường thì cần kiên quyết loại bỏ. Tập trung sức thực hiện những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng của sản phẩm, như ứng dụng công nghệ mới, nghiên cứu đổi mới mẫu mã; khai thác thị trường; v.v… (ii) Đối với những địa phương chưa có nghề, cần khẩn trương phát triển nghề, thực hiện chủ trương “mỗi làng một nghề”. 

 

Do đó, các địa phương cần xây dựng, hoàn chỉnh quy hoạch phát triển nghề, làng nghề: xác định định hướng phát triển các nghề cần phát triển ở các vùng, các xã trong địa phương; trong đó xác định rõ quy mô, điều kiện phát triển và thời gian, phân công thực hiện…

 

- Hai là, tái cấu trúc doanh nghiệp làng nghề: Trong làng nghề nước ta, cơ sở sản xuất phổ biến là hộ gia đình, bên cạnh đó là các tổ sản xuất, và một số công ty và doanh nghiệp tư nhân, phần lớn quy mô nhỏ và vừa (dưới đây, gọi chung là doanh nghiệp). Đây là quy mô phù hợp trong sản xuất thủ công mỹ nghệ, vì dễ linh hoạt trong sáng tạo, đổi mới, có thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trước yêu cầu mới, tái cấu trúc doanh nghiệp làng nghề phải tập trung vào hai loại việc: (i) Đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh, tuy là hộ gia đình, quy mô nhỏ song vẫn phải lấy năng suất, chất lượng làm đầu, soát xét lại các công đoạn sản xuất với yêu cầu không ngừng nâng cao hiệu quả; (ii) Đổi mới tổ chức quản lý, khắc phục lối quản lý kiểu gia đình, thiếu bài bản, thiếu chiến lược kinh doanh… Mỗi doanh nghiệp cần phát huy trí tuệ của nghệ nhân, thợ giỏi, tập trung sức vào nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu chi phí sản xuất, xây dựng và quản lý thương hiệu, ứng dụng cách quản lý tiến bộ, sử dụng internet trong kinh doanh, khắc phục ô nhiễm môi trường…

 

Do đó, các địa phương cần rà soát lại việc thực hiện các cơ chế, chính sách của Nhà nước về khuyến khích phát triển nghề và làng nghề, trợ giúp bảo vệ môi trường, xúc tiến thương mại, đào tạo nhân lực …; phân tích kỹ việc thực hiện các cơ chế, chính sách ấy trong thời gian qua và đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian tới; những cơ chế, chính sách cần bổ sung, hoàn chỉnh, giúp cho doanh nghiệp làng nghề thực hiện được các biện pháp cấu trúc lại.  

 

Nghệ nhân Phùng Thế Huỳnh - làng nghề gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội)

 

- Ba là, tái cấu trúc làng nghề: Tái cấu trúc làng nghề là một nhiệm vụ không thể thiếu, để phát huy những tinh hoa văn hóa trong thiết chế làng xã qua hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc ta. Đó là “văn hóa làng” thể hiện ở tính cộng đồng và tính tự quản trong mối quan hệ giữa các cư dân, các tổ chức trong làng; những đức tính quý báu ấy cần được phát huy trong điều kiện mới của xã hội ta ngày nay.

 

Về kinh tế, cần tăng cường các quan hệ liên doanh, liên kết về nhiều mặt trong sản xuất, kinh doanh, khắc phục tình trạng doanh nghiệp nào biết doanh nghiệp ấy, mạnh ai nấy làm, thiếu liên kết, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh. Làng nghề cần cùng nhau thương thảo, thỏa thuận đối với những vấn đề liên quan đến uy tín, thương hiệu của làng nghề, như giá cả, kinh doanh hợp pháp, không gian lận thương mại, buôn bán hàng giả… 

 

Về văn hóa, có nhiều việc rất cần phát huy sức mạnh của cộng đồng làng nghề, đó là: tổ chức các ngày Giỗ Tổ nghề một cách trang trọng, có ý nghĩa thiết thực, tránh hình thức; hoặc cùng nhau chung sức xây dựng những công trình vừa có ý nghĩa tôn vinh truyền thống, vừa có ý nghĩa giáo dục cho đời sau đối với làng nghề như: tôn tạo các di tích truyền thống, di tích lịch sử, lập phòng trưng bày sản phẩm, bảo tàng làng nghề (bảo tàng tổng hợp của cả làng hoặc bảo tàng về một loại sản phẩm đặc trưng của làng nghề). 

 

Về xã hội, làng nghề cũng cần cùng góp sức xây dựng những công trình công cộng, phúc lợi xã hội, đặc biệt là những công trình có tác dụng bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề, nhằm nâng cao chất lượng sống của cộng đồng, qua đó tăng cường tình đoàn kết thân ái, gắn bó cộng đồng dân cư trong làng nghề. 

 

Tóm lại, làng nghề chúng ta nhất thiết phải tái cấu trúc một cách toàn diện, để phát huy tiềm năng, tiếp tục phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế - xã hội đất nước, dựa trên cố gắng của bản thân làng nghề và với những cơ chế, chính sách của Nhà nước. 

 

3. Phát triển sản phẩm làng nghề: 

 

a) Trước hết, xin nêu lên ý nghĩa và tác dụng của việc phát triển sản phẩm làng nghề trong nhiệm vụ tái cấu trúc toàn diện các làng nghề. Đó là:

 

- Phát triển sản phẩm, cũng có nghĩa là tăng thêm số lượng và chủng loại sản phẩm làng nghề, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và trên thế giới đang biến động mạnh mẽ và cạnh tranh ngày càng gay gắt; là phục vụ và thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm làng nghề…

 

Phát triển sản phẩm là gì và tại sao nó quan trọng như  vậy? Phát triển sản phẩm là quá trình tạo ra, làm cho thích nghi hoặc thay đổi một sản phẩm. Thuật ngữ này có thể được sử dụng để mô tả sự phát triển của một sản phẩm riêng biệt hoặc một loạt các sản phẩm. Trong một doanh nghiệp, sản phẩm hoặc một loạt sản phẩm là tài sản quan trọng nhất của họ. Đó là những gì tạo ra doanh nghiệp của họ. Vì vậy khai thác sản phẩm của họ rất quan trọng trong việc xác định sự thành công liên tục của doanh nghiệp. Loạt sản phẩm của doanh nghiệp không nên được xem như là một cái gì đó tĩnh. Sự thành công của một sản phẩm thường được đo bằng sự thành công về doanh số bán hàng cho một thị trường cụ thể. Khi thị trường thay đổi thì sản phẩm của doanh nghiệp phải phát triển, đáp ứng nhu cầu của thị trường đó. Không đáp ứng để thay đổi có thể dẫn đến mất vị trí của doanh nghiệp trên thị trường.


Theo Aileen Brindle (Trung tâm Xúc tiến Nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển của EU, CBI), trong một báo cáo tóm tắt về vấn đề này đã nêu ra một số lý do để lý giải tại sao một doanh nghiệp cần phải hoặc lựa chọn để phát triển nhiều sản phẩm của mình: Để tăng doanh số bán hàng; Để cung cấp sản phẩm mới cho khách hàng hiện tại; Để thu hút khách hàng mới; Để cung cấp sự lựa chọn và sự đa dạng của sản phẩm; Để thay thế sản phẩm không bán chạy; Để xây dựng dựa trên sự thành công của sản phẩm bán chạy; Để phân biệt loạt sản phẩm từ đối thủ cạnh tranh; Để được phù hợp với xu hướng mua sắm theo mùa; Để sử dụng nguyên vật liệu mới, kỹ thuật mới hoặc công nghệ mới.

 

- Phát triển sản phẩm tạo điều kiện thúc đẩy phát huy những thế mạnh của địa phương về ngành nghề thủ công, đặc biệt là thủ công mỹ nghệ, ví dụ như gốm sứ Bình Dương, Đồng Nai, thổ cẩm Châu Mạ… góp phần làm giàu kho tàng văn hóa làng nghề của cả nước;

 

- Phát triển sản phẩm đòi hỏi phát huy trí tuệ, tài năng của đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, thực hiện các chính sách để thúc đẩy họ nghiên cứu, sáng tạo, cải tiến mẫu mã sản phẩm hàng hóa, từ đó hình thành một đội ngũ nhân tài để làm ra ngày càng nhiều sản phẩm tinh hoa, tiếp nối truyền thống, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ nhân truyền nghề cho đội ngũ kế tiếp.

 

Làm thế nào để phát triển sản phẩm phù hợp với quá trình quản lý kinh doanh?Phát triển sản phẩm là một phần của quá trình quản lý sản xuất kinh doanh. Nó là một bánh răng quan trọng của cổ máy quản lý kinh doanh tương tác với nhiều các yếu tố khác của các chức năng tiếp thị. Mỗi bánh răng đều phụ thuộc lẫn nhau. Các hoạt động và phân chia công việc có thể khác nhau trong một doanh nghiệp, nhưng một trong những bộ phận chức năng không thể làm việc hiệu quả nếu không có sự các thành tố khác để thực hiện các nhiệm chung của doanh nghiệp đang đi theo định hướng về phía trước.

 

Quá trình phát triển sản phẩm là một phần của một chu kỳ. Các nhu cầu của doanh nghiệp nói chung là chuyển động và được xem xét trên cơ sở hàng năm. Các nhu cầu của thị trường phát triển bình thường theo mùa vụ. Do đó, quá trình phát triển sản phẩm cần phải được làm quen trong hoạt động của doanh nghiệp như là một phần của chu kỳ liên tục chuyển động này.

 

Phát triển sản phẩm thường bao gồm trong các chức năng tiếp thị của một doanh nghiệp. Tùy thuộc vào kích cở của doanh nghiệp, có thể có một số người cần được tham gia trong quá trình này, ví dụ Trưởng phòng Marketing, Giám đốc sản phẩm, phụ trách thiết kế, nghệ nhân... Tất những người này sẽ có một vai trò quan trọng trong chỉ đạo, thông tin, thực hiện các hoạt động. Quá trình này là rất quan trọng đối với sự thành công của doanh nghiệp và bởi vì nó đòi hỏi rất nhiều sự phối hợp, nên giao trách cho một thành viên trong nhóm điều hành và quản lý quá trình.


- Phát triển sản phẩm làng nghề cũng là cơ hội thúc đẩy và tạo điều kiện để các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý làng nghề, cũng như để nâng cao chất lượng hoạt động của các hội, hiệp hội liên quan đến thủ công mỹ nghệ và làng nghề, tất cả cùng góp sức bảo tồn và phát triển làng nghề trong tình hình mới.

 

b) Dưới đây, một số giải pháp chủ yếu về phát triển sản phẩm làng nghề trong điều kiện nước ta hiện nay.

 

Một là, tăng cường nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại. Trong thời đại ngày nay, khi xu hướng tiêu dùng thay đổi nhanh chóng và rất đa dạng; việc nghiên cứu thị trường một cách bài bản, nâng cao kiến thức về thị trường là rất cần thiết nhằm giúp người sản xuất cung ứng các sản phẩm hàng hóa phù hợp, thỏa mản nhu cầu sử dụng. Tuy vậy, đối với các doanh nghiệp làng nghề, việc nghiên cứu thị trường hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí còn rất xa lạ; nhiều cơ sở sản xuất làng nghề vẫn thường thực hiện sản xuất theo đặt hàng của một số doanh nghiệp đầu mối, chịu nhiều thiệt thòi về thu nhập và cũng không có định hướng, động lực để cải tiến mẫu mã sản phẩm hàng hóa. 

 

Theo nhiều nhà nghiên cứu, có nhiều cách để khảo sát thị trường, tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng theo kiểu đơn giản nhất của “con nhà nghèo” cần được các doanh nghiệp làng nghề vận dụng. Ví dụ như: tổ chức theo dõi sự quan tâm của người tiêu dùng về sản phẩm tại các hội chợ để biết thị hiếu; khảo sát các công trình kiến trúc, nhà ở để biết sản phẩm mỹ nghệ trang trí do mình sản xuất có thích hợp với không gian kiến trúc hay không; hỏi thăm các nhà bán buôn, người thu mua để biết đối tượng, lứa tuổi, giới tính người mua,…

 

Doanh nghiệp làng nghề cần nắm bắt kịp thời những kinh nghiệm về nghiên cứu thị trường, để trên cơ sở ấy, xây dựng chiến lược và kế hoạch xúc tiến thương mại, với sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, các hiệp hội ngành nghề ở địa phương. Xin nhấn mạnh: xúc tiến thương mại là làm cho khách hàng nhận thức được giá trị của sản phẩm hàng hóa mà chúng ta đưa ra, tức là hiểu được mối quan hệ giữa chất lượng và giá cả; đây thực sự là công việc quan trọng hàng đầu trong công tác xúc tiến thương mại. Xúc tiến thương mại là thực hiện các biện pháp tiếp thị, quảng bá sản phẩm để mở rộng qui mô thị trường, duy trì thị trường hiện có và mở rộng thị trường mới, coi đây là một yếu tố quyết định đối với sự tồn tại và phát triển của các làng nghề.  

Vũ Quốc Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang