Các sản phẩm chè của Việt Nam được xuất khẩu đi hơn 100 nước trên thế giới, với nhiều chủng loại chè phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, giá trị của ngành chè nước ta còn thấp, mới chỉ đạt kim ngach xuất khẩu khoảng 230 triệu USD/năm - một con số rất khiêm tốn so với các ngành nông sản khác như cà phê, hồ tiêu...
Hiện nay, cả nước hiện có 124.000 ha diện tích trồng chè với hơn 500 cơ sở sản xuất chế biến, công suất đạt trên 500.000 tấn chè khô mỗi năm. Nhiều vùng chè cho năng suất cao và chất lượng tốt, nổi tiếng trong nước như: Tân Cương (Thái Nguyên), Mộc Châu (Sơn La), Bảo Lộc (Lâm Đồng)… Các sản phẩm chè ngày càng đa dạng, phong phú về chủng loại, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng trong và ngoài nước như: chè sao lăn, chè xanh, chè Ô Long, chè Hương, chè Thảo dược...
Thế nhưng, khoảng 90% sản lượng chè xuất khẩu vẫn ở dạng nguyên liệu thô, chưa qua chế biến nên giá trị tăng thấp, chủ yếu xuất khẩu vào thị trường dễ tính, rất ít sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường yêu cầu chất lượng cao như EU. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, bên cạnh thuận lợi về giảm thuế quan thì các doanh nghiệp phải chịu sức ép về hàng rào kỹ thuật, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm.
Ông Chu Xuân Ái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Phát triển công nghệ và thương mại Tôn Vinh chia sẻ: Doanh nghiệp đang ở trong tình trạng chung của ngành chè hiện nay, có những khó khăn rất lớn là chè chất lượng chưa cao, bán giá rẻ. Cùng với đó là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu còn nhiều trong chè.
“Để tiến tới quá trình hội nhập, về phía doanh nghiệp một phần nâng cao chất lượng, tìm kiếm đối tác để có giá trị gia tăng cao hơn. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền các cấp, đặc biệt là cùng với hiệp hội chè khắc phục vấn đề này”, ông Ái cho biết.
Mặc dù là 1 trong 5 nước xuất khẩu chè nhiều nhất trên thế giới, nhưng thương hiệu chè Việt Nam còn khá mờ nhạt, chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới. Nguyên nhân là phần lớn các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè có quy mô nhỏ, vốn ít, hạn chế về kỹ năng tiếp thị hay đàm phán ký kết hợp đồng với các đối tác nước ngoài.
Ông Ngô Hồng Thái, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vinatea) cho biết, các doanh nghiệp chè cần thay đổi mô hình quản trị, tập trung vào thiết kế lại thương hiệu, bộ sản phẩm, bao bì, nhãn mác thật chuyên nghiệp, mang đẳng cấp tương tự với sản phẩm của nước ngoài để tiêu thụ trên các thị trường bán lẻ; nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể phục vụ ngay chính trong thị trường nội địa trước.
“Hiện nay Viantea chỉ tập trung vào xuất khẩu thô, không cho ra đời sản phẩm phục vụ cho người tiêu dùng, thương hiệu rất có giá trị nhưng chưa khai thác phần giá trị lớn nhất đó là sản phẩm cho thị trường nội địa cũng như dùng sản phẩm đó với chất lượng cao để xuất khẩu ra nước ngoài”, ông Thái cho hay.
Thời gian tới, để đảm bảo sản xuất bền vững và tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mang lại, Hiệp hội Chè Việt Nam đang tổ chức các mô hình bảo vệ thực vật tập trung; kiểm soát thời gian cách ly, đảm bảo an toàn cho nguyên liệu đầu vào. Hiệp hội cũng định hướng tổ chức một sàn giao dịch để các đơn vị giới thiệu và bán sản phẩm tạo tiền đề cho sự ra đời trung tâm đấu giá chè sau này. Trước mắt, các đơn vị sản xuất cần hạn chế xuất khẩu chè qua trung gian.
Ông Hoàng Vĩnh Long, Chánh Văn phòng Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết, trước hết các doanh nghiệp chè phải tận dụng được cơ hội về thị trường, nhất là khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, các doanh nghiệp chè sẽ có khả năng xâm nhập sâu vào nhiều thị trường.
“Các doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng được thương hiệu sản phẩm, mới đảm bảo được các sản phẩm có chất lượng, đảm bảo đủ các tiêu chuẩn khi vượt qua được các hàng rào mà các nước nhập khẩu họ đặt lên. Ngoài ra phải tự bản thân doanh nghiệp phải xốc lại, ổn định lại, sản xuất có bài bản, gắn kết giữa sản xuất chế biến và sản xuất về nguyên liệu”, ông Long lưu ý.
Ngành chè khuyến cáo các doanh nghiệp cần hướng tới liên kết trong sản xuất và tiêu thụ chè, quan tâm đặc biệt tới quy trình sản xuất chè an toàn, có chứng nhận được thị trường thế giới công nhận. Người trồng chè cần tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong việc trồng, chăm sóc cũng như sơ chế chè. Có như vậy, ngành chè mới có thể cạnh tranh được với các thương hiệu chè trên thế giới./.
Chung Thủy/VOV