Thứ Sáu, 22/11/2024 07:09:48 GMT+7
Lượt xem: 15450

Tin đăng lúc 25-11-2019

Thương hiệu gạo ngon số 1 thế giới – Xướng tên Việt Nam

Ngày 12/11/2019, sản phẩm gạo ST25 của Việt Nam đã được vinh danh là loại gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị Thương mại gạo Thế giới lần thứ 11 tại Manila, Philippines từ 10-13/11/2019. Đây là lần đầu tiên gạo đã vượt qua gạo các nước như Thái Lan, Campuchia để xứng đáng nhận giải thưởng cao nhất của cuộc thi sau 10 năm liên tục tổ chức.
Thương hiệu gạo ngon số 1 thế giới – Xướng tên Việt Nam
Ông Hồ Quang Cua cùng hai cộng sự nhận cúp World's Best Rice tại Philippines

Cuộc thi tìm kiếm loại gạo ngon nhất thế giới được tiến hành bởi các đầu bếp quốc tế - những người sẽ kiểm tra cảm quan của gạo trước khi nấu cơm, độ ngon của cơm và chọn ra loại gạo thắng cuộc. Trong 10 lần tổ chức cuộc thi bình chọn loại gạo ngon nhất, Thái Lan là nước dẫn đầu với 05 lần đoạt giải Nhất, tiếp đến là Campuchia với 04 lần, Mỹ 02 lần và Mianma 01 lần. Năm 2017, gạo ST24 của Việt Nam chỉ được lọt vào top 3 loại gạo ngon nhất thế giới.

 

Thành công sau 20 năm nghiên cứu

 

Có được danh hiệu cao quý đó, nhóm nhà khoa học tỉnh Sóc Trăng, gồmKỹ sư Hồ Quang Cua,; Tiến sĩ Trần Tấn Phương và Kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương lai tạo, phát triển ra gạo ST25 phải mất gần 20 năm nghiên cứu, sản xuất và cung cấp sản phẩm cũng như thuyết phục người tiêu dùng trong và ngoài nước. Ông Cua chia sẻ: “Đạt được hạng Nhất, không chỉ chinh phục Ban Giám khảo, mà còn là hạng Nhất của giám khảo quần chúng, cho nên chúng tôi rất tự tin để bổ sung thành tích của VN trên đấu trường quốc tế. Được lai tạo bởi giống lúa cao sản có thể trồng 02-03 vụ/năm, trong khi gạo thơm Thái Lan là lúa mùa dài ngày chỉ trồng được 01 vụ/năm”. Theo ông, các nhân viên kỹ thuật phải gần gũi với người nông dân, phải “đi tới đi lui, chỉ trỏ, kề cà vài ba li rượu, trao đổi thân tình với họ để hai bên hiểu nhau” thì như vậy những quyền lợi nho nhỏ mới không xảy ra tranh chấp. Ông cũng gợi ý rằng, cần phải tận dụng những cán bộ địa phương, nhân viên chính quyền cùng tham gia vào quá trình này để tạo niềm tin, đến khi thu hoạch sẽ không xảy ra xung đột “ăn thua”. Ông Hồ Quang Cua cho rằng, muốn liên kết thì bắt buộc phải đầu tư, đầu tư vào mối quan hệ giữa con người với con ngườivà cũng cần nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, tuy nhiên nếu liên kết được thì doanh nghiệp có vô vàn cái lợi vì vùng nguyên liệu tập trung và giá đầu vào ổn định.

 

Ưu điểm của dòng gạo ST24, ST25 là hạt gạo dài trắng trong, cơm dẻo và có hơi thơm lá dứa. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giải thưởng này tiếp tục quảng bá và khẳng định với bạn bè thế giới về chất lượng của sản phẩm nêu trên.

 

 

Gạo ST25 được đóng gói tại TP Sóc Trăng

 

Đánh giá của các chuyên gia về gạo ST25

 

Ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An: Gạo thơm VN rất ngon, đặc biệt là các dòng ST. Ví dụ, dòng ST20 chúng tôi bán đi Malaysia cách đây 10 năm với giá 925 USD/tấn, độc quyền mấy năm liền. Từ cả chục năm nay, trên thị trường lúa gạo xuất khẩu, người ta đã quen và chuộng một số giống lúa thơm cho gạo ngon, chất lượng tốt, đó là các giống lúa ST như ST3, ST5, ST10, ST20... có xuất xứ từ Sóc Trăng. Thương hiệu gạo thơm Sóc Trăng cũng là mặt hàng được khắp nơi ưa chuộng bởi chất lượng gạo thơm ngon, mềm dẻo, hạt gạo sáng, dài, đẹp rất có lợi thế xuất khẩu. 

 

Có chất lượng, có thương hiệu, mong muốn lớn nhất là sự đồng hành của các bộ, ngành liên quan trong việc bảo hộ bản quyền, thúc đẩy nghiên cứu và nhân giống cho nông dân sản xuất. Có như vậy, dòng sản phẩm gạo ngon thế giới tại đây mới đảm bảo sản lượng và chất lượng để cạnh tranh xuất khẩu bền vững.

 

Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết: VN là nước xuất khẩu gạo lớn nhất, nhì thế giới, khẳng định là quốc gia có nền văn minh lúa nước, trước đây, gạo của chúng ta chỉ nằm ở top 3, lần này ở vị trí cao nhất. Có thể nói kết quả này mang lại cho những người làm trồng trọt đầy cảm xúc. Giống ST25 là giống phản ứng với ánh sáng, có thể trồng được 2 vụ/năm và phát triển của nó khá rộng. Kết quả đó cho thấy, nghiên cứu của kĩ sư Hồ Quang Cua mở ra cơ hội về mặt cạnh tranh, chất lượng hạt gạo cũng như khả năng đáp ứng nguồn cung của VN. Bởi vì chúng ta sản xuất 02 vụ, năng suất cao hơn rất nhiều so với những giống địa phương. Đây là lợi thế đối với lúa gạo VN đặc biệt là với giống có chất lượng cao như ST25.

 

 

Lúa ST25 và gạo ST25

 

Làm thế nào để nâng tầm hạt gạo VN?

 

Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, sản xuất lúa gạo của VN ngoài việc đảm bảo an ninh lương thực cho gần 100 triệu dân trong nước thì VN còn xuất khẩu mỗi năm khoảng 6 triệu tấn gạo. Nhu cầu thị trường gạo thế giới khá đa dạng. Chúng ta vẫn phải có một bộ phận cung cấp gạo cho các nước như ở châu Phi, Indonesia, Philipin, yêu cầu chất lượng ở mức trung bình. Chúng ta cần xác định thế mạnh của gạo VN là chất lượng, hương vị đặc trưng để cho thị trường cao cấp khó tính như thị trường Mỹ, châu Âu. Bởi vì với sự phát triển kinh tế, tầng lớp trung lưu có thu nhập cao họ có những yêu cầu cao hơn về tiêu dùng. Để đáp ứng được nhu cầu đa dạng tiêu thụ gạo trên thế giới, Bộ NN & PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về phát triển thị phần lúa gạo đi song song đáp ứng đủ yêu cầu nâng cao sản xuất lúa gạo nhưng lại phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế của nông dân VN.

 

Với thị trường cao cấp thì yêu cầu càng cao. Với những loại gạo như ST24, ST25, có thể nói rằng, bước đầu chúng ta đã đạt được yêu cầu về xuất khẩu gạo cho thị trường khó tính. Tuy nhiên, thực tế đáp ứng và nâng cao hiệu quả đạt được cho thị trường cao cấp với sản phẩm gạo cao cấp thì chúng ta còn nhiều hạn chế. Cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, những người nông dân VN phải xác định được những hạn chế này để cùng khắc phục. Ví dụ, việc sản xuất để truy xuất nguồn gốc, đảm bảo sở hữu trí tuệ và vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu, song song với việc đó là thu mua, chế biến như thế nào để đáp ứng được. Đấy là những vấn đề chúng ta phải thực hiện để đảm bảo và nâng tầng hạt gạo của VN.

 

Người tiêu dùng trên khắp thế giới ngày càng quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất gạo, các tiêu chuẩn chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng mà gạo đạt được chứ không còn coi hạt gạo là mặt hàng lương thực đơn thuần. Trong khi hiện nay, những vùng sản xuất gạo đạt được tiêu chuẩn chất lượng cao của nước ta vẫn còn được đánh giá là nhỏ lẻ, manh mún. Có thể thấy, xây dựng thương hiệu hạt gạo đã khó, giữ gìn nâng cao giá trị của hạt gạo đó lên cao hơn tầm quốc gia lại càng khó hơn. Việt Nam sẽ phải làm gì và làm như thế nào khi mà các đối thủ xuất khẩu gạo của VN đã và đang có những biến chuyển rất lớn trong cách thức canh tác cũng như chế biến để nâng cao chất lượng hạt gạo một cách toàn diện, do vậy, cần một chiến lược bài bản cho hạt gạo VN./.

 

Bích Ngọc

 


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang