Cùng với xu thế phát triển công nghệ trên thế giới, thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam đang từng bước hình thành, tăng trưởng mạnh mẽ và giữ vai trò ngày càng quan trọng trong phân phối hàng hóa. Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ lĩnh vực còn tương đối mới mẻ này, tuy nhiên, quá trình phát triển TMĐT ở Việt Nam trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn thảo.
Cụ thể, thực hiện quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT, từ năm 2013 Bộ Công Thương đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký/thông báo website TMĐT qua Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT (www.online.gov.vn). Số lượng doanh nghiệp và cá nhân thực hiện thủ tục thông báo/đăng ký tăng nhanh. Việc thực hiện thông báo, đăng ký website/ứng dụng TMĐT của thương nhân, tổ chức, cá nhân đối với Bộ Công Thương là bước quan trọng trong việc minh bạch hóa thông tin, hỗ trợ công tác quản lý hoạt động TMĐT cũng như công tác bảo vệ người tiêu dùng trong giải quyết tranh chấp khi các giao dịch có các vấn đề xảy ra.
Thông qua Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT, Bộ Công Thương đã tiếp nhận nhiều thông tin phản ánh của các tổ chức, cá nhân về các trường hợp vi phạm liên quan đến TMĐT, làm cơ sở để Bộ Công Thương tiến hành thanh tra, kiểm tra nhiều trường hợp vi phạm hành chính trong TMĐT, xử lý nhiều trường hợp vi phạm liên quan đến hàng giả hàng nhái trên môi trường mạng.
Khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia có sự phát triển nhanh chóng về TMĐT, với tốc độ tăng trưởng TMĐT thuộc top 3 khu vực Đông Nam Á, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế - Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) chỉ rõ, hoạt động giao dịch trên các sàn TMĐT diễn ra sôi động và tăng trưởng nhanh về khối lượng cũng như quy mô. “Đến nay, TMĐT đã lan tỏa rộng rãi đến mọi người, mọi nhà. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm như hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ”, ông Tuấn chỉ ra.
Nhằm đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh mới, nhu cầu phải sửa đổi, hoàn thiện Nghị định 52/2013/NĐ-CP là một tất yếu. Theo Bộ Công Thương, dự thảo Nghị định sửa đổi được xây dựng với mục tiêu khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Nghi định 52, đảm bảo môi trường lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng cho hoạt động TMĐT, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong TMĐT, không để môi trường TMĐT bị lợi dụng, trở thành phương thức thực hiện các hành vi mua bán, lưu thông hàng hóa vi phạm pháp luật.
Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), dự thảo Nghị định sửa đổi tập trung vào 4 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết 144/NQ-CP ngày 7/10/2020. “Dự thảo thu gọn đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; minh bạch hóa thông tin hàng hóa và dịch vụ trong TMĐT và quản lý hoạt động TMĐT trên mạng xã hội và quản lý hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài”, bà Việt Anh chỉ rõ.
Đồng thời, theo nhiều chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp, các vướng mắc tồn tại trong quá trình thực hiện Nghị định 52 bao gồm vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được bày bán tràn lan trên mạng; còn nhiều bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật về TMĐT thời gian vừa qua.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Nghị định nên tập trung vào các vấn đề: Quy định đối với thông tin hàng hóa, dịch vụ bắt buộc phải công khai của người bán; trách nhiệm cung cấp công cụ tra cứu cho cơ quan quản lý nhà nước của chủ sàn giao dịch TMĐT; liên đới trách nhiệm về hàng hóa, dịch vụ bán trên sàn giao dịch TMĐT của chủ sàn giao dịch TMĐT; và quy định về điều kiện tiếp cận thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ TMĐT…
Đặc biệt, cộng đồng các nhà bán hàng nhỏ trên sàn giao dịch TMĐT mong muốn, cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện pháp luật về TMĐT, để các cá nhân, doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh lâu dài, an toàn trên môi trường trực tuyến.
Dự kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT sẽ được trình Chính phủ trong quý I/2021.
Theo VietQ