Mức tăng này có được hoàn toàn nhờ tăng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Lào (đạt gần 586 triệu USD, tăng 48,2%). Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa từ Lào về Việt Nam chỉ đạt gần 363 triệu USD, giảm 1,6%.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Lào gồm xăng, dầu; rau quả; phân bón các loại; clanke và xi măng; dây điện và cáp điện; giấy và sản phẩm từ giấy; gốm sứ; hàng dệt may…
Ở chiều ngược lại, các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Lào gồm phân bón; cao su; gỗ và sản phẩm gỗ; quặng và khoáng sản khác…
Riêng trong tháng 7, thương mại hai chiều giữa hai nước đạt gần 125 triệu USD, tăng tới 54,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt gần 53,2 triệu USD (tăng 33,9%) nhờ xuất khẩu rau quả và xăng dầu tăng mạnh. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp đánh dấu kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào tăng, góp phần kéo lùi mức giảm kim ngạch xuất khẩu từ -6% trong nửa đầu năm xuống chỉ còn -1,6% trong 7 tháng.
Dự kiến trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào sẽ tiếp tục tăng do kinh tế Lào đã ổn định trở lại, giá xăng dầu trên thị trường thế giới đang dần hạ nhiệt và có thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam tới Lào để kết nối giao thương. Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa của Lào vào Việt Nam cũng sẽ tăng do cuộc xung đột tại Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Lào luôn khởi sắc trong thời gian vừa qua. Giai đoạn 2016-2020, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam-Lào tăng trưởng ổn định và đã đạt mục tiêu trên 1 tỷ USD/năm. Sau 2 năm bị tác động bởi dịch COVID-19 và thiên tai, lũ lụt khiến thương mại giữa Việt Nam và Lào gặp một số trở ngại, khó khăn.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 trở lại đây, giao thương giữa hai bên đã tăng trưởng mạnh mẽ nên cán cân xuất khẩu và nhập khẩu tương đối cân bằng. Do đó, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa thay đổi theo hướng bền vững, danh mục hàng hóa trao đổi giữa hai nước ngày càng được mở rộng, đa dạng và phong phú hơn.
Với 8 cặp cửa khẩu quốc tế, 7 cặp cửa khẩu chính và 18 cặp cửa khẩu phụ, hoạt động trao đổi về kinh tế cũng như đi lại, xuất nhập khẩu hàng hóa, lao động giữa Việt Nam và Lào đều rất nhiều thuận lợi.
Ngoài ra, thương mại hai nước được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế suất về 0% cho hầu hết các mặt hàng của hai nước theo các Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam-Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam-Lào. Các thuận lợi khác như thị trường Lào không yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng có nhiều thiện cảm với hàng hóa từ Việt Nam.
Thời gian tới, mục tiêu kim ngạch thương mại giữa hai nước là không chỉ tăng trưởng ở mức độ 10-15%/năm mà còn phải để thương mại giữa hai nước phát triển thật ổn định và bền vững.
Theo Congthuong.vn