Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 5/4 cơ quan này đã nhận được văn bản trả lời của GrabTaxi liên quan tới việc Grab mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Theo văn bản trả lời của GrabTaxi, thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan tại Việt Nam được xác định thấp hơn 30%. Do đó, phía Grab cho rằng các bên tham gia giao dịch "không phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành và hoàn tất giao dịch tại Việt Nam".
Tuy nhiên, những căn cứ cụ thể để chứng minh về thị phần trên thị trường liên quan của Grab và Uber tại Việt Nam lại không được công ty này cung cấp đầy đủ cho cơ quan quản lý cạnh tranh.
"Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã yêu cầu công ty cung cấp các căn cứ này, đồng thời đánh giá kỹ thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan để bảo đảm tuân thủ các quy định về tập trung kinh tế của pháp luật cạnh tranh trước khi tiến hành giao dịch trên thị trường Việt Nam", đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã thông báo cụ thể các thông tin quy định tại Luật Cạnh tranh để Grab cân nhắc.
Cụ thể, theo quy định, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Nếu vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.
Tuy nhiên, theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho biết, việc sáp nhập Uber và Grab có 3 điểm cần làm rõ:
Thứ nhất, việc sáp nhập là 2 doanh nghiệp ở nước ngoài, còn Grab Việt Nam là pháp nhân Việt Nam độc lập, chỉ có 49% vốn của Grab nước ngoài. Do đó việc xem xét xác định thị phần thế nào là chưa rõ. Giống như Google chiếm thị phần tra cứu thông tin rất lớn ở Việt Nam, nhưng nếu có việc sáp nhập, hợp nhất thì được áp dụng theo Luật của Mỹ, chứ không áp dụng luật Việt Nam.
Thứ hai, cơ quan chức năng chưa xác định rõ Uber, Grab là kinh doanh taxi hay kinh doanh dịch vụ công nghệ, nên chưa đủ cơ sở khẳng định thị phần kinh doanh taxi thế nào. Ít nhất cũng phải tách bạch được phần liên kết với các hãng taxi và phần còn lại (nếu có).
Thứ ba, kể cả trường hợp đã xác định rõ, 2 hãng này là kinh doanh taxi và xác định được thị phần liên quan thì cũng còn phải xác định tiếp là tính quy mô doanh thu trên toàn bộ 100% hay chỉ trên 20% doanh thu, là phần mà họ được hưởng và phải nộp thuế (80% còn lại là thuộc về các hãng taxi và tổ chức, cá nhân khác có đăng ký kinh doanh vận tải). Nếu việc sáp nhập (tập trung kinh tế) thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật nước nào thì phải tuân thủ quy định đó, nên việc phải làm thủ tục tại 1, một số hay cả 11 nước trong khu vực là tùy thuộc vào phạm vi ảnh hưởng và Luật Cạnh tranh của các nước.
Cuối tháng 3, Grab đã công bố thông tin về việc hãng mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, Grab sẽ tiếp nhận mảng dịch vụ chia sẻ xe (ridesharing) và vận chuyển thực phẩm trong khu vực Đông Nam Á vào hệ thống vận tải đa phương tiện và nền tảng công nghệ của Grab (multi-modal transportation and fintech platform). Đổi lại, Uber trở thành cổ đông sở hữu 27,5% tổng số cổ phần của Grab. Trước thông tin này Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã có công văn yêu cầu GrabTaxi cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc mua lại trên.
Hiện không chỉ riêng Việt Nam, đồng loạt các nước khu vực Đông Nam Á đều yêu cầu Grab gửi báo cáo chi tiết vụ mua bán này. Ngày hôm qua (8/4), ứng dụng gọi xe Uber đã chính thức "khai tử" tại thị trường Đông Nam Á.
Theo Chinhphu.vn