Để tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp đang tập trung vào các thị trường có nhu cầu lớn. Theo đó, ngoài nghiên cứu thêm nhiều mặt hàng giá trị gia tăng tăng cho các thị trường: Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Mỹ, đồng thời cũng mở rộng sang các thị trường nhỏ nhưng có tiềm năng nhờ kinh tế ổn định hơn là khu vực Trung Đông và ASEAN.
Với lợi thế về địa lý, Trung Quốc được coi là thị trường tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng thủy sản tươi, sống của Việt Nam, tuy nhiên áp lực cạnh tranh ở thị trường này rất lớn do nhiều nhà xuất khẩu ở những quốc gia khác cũng đang tập trung vào thị trường này.
Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản cho rằng, sự mở cửa trở lại của thị trường Trung Quốc được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi tích cực về giá trị, vấn đề là cơ cấu sản phẩm cần có sự thay đổi để bù đắp cho các sản phẩm truyền thống như cá tra và tôm hiện đang sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu.
“Các mặt hàng hải sản sẽ có những tín hiệu tích cực hơn so với tôm và cá tra nhưng chủ yếu lại tập trung vào phân khúc gia công và chế biến xuất khẩu lại từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Trong đó, những ngành hàng có xu hướng thay đổi rõ rệt trong năm nay là sản phẩm cho những phân khúc ở các siêu thị ở châu Á tại các nước. Ví dụ như: nước mắm, chả cá, những loài cá nhỏ” - bà Lê Hằng nói./.
Theo VOV