Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2017 lượng thủy sản xuất khẩu đạt 2 triệu tấn, tăng 7,5% so với năm 2016. Lượng xuất khẩu hầu hết các mặt hàng thủy sản lớn tăng so với năm 2016, trừ mặt hàng cá tra, cá basa.
Việt Nam là 1 trong 10 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất vào Liên bang Nga với sản phẩm chủ lực là cá tra phile. Nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Liên bang Nga bình quân khoảng 4,1-4,3 triệu tấn/năm (cá các loại hơn 3,4 triệu tấn/năm), tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người là 23,5kg/năm (bình quân thế giới là 17 kg/năm).
Hiện xuất khẩu thủy sản sang nước này chưa đạt được tăng trưởng như kỳ vọng và thị phần vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm 3,6% tổng nhập khẩu thủy sản của Liên bang Nga do gặp khó khăn về các quy định an toàn thực phẩm, thậm chí có những quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra, công nhận doanh nghiệp xuất khẩu chưa phù hợp với thông lệ quốc tế: chỉ công nhận 25/136 doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam được phép xuất khẩu; áp dụng các chỉ tiêu MRLs đối với một số hoạt chất, kháng sinh chặt chẽ hơn nhiều so với quy định của EU, Codex; cơ chế trao đổi thông tin về cảnh báo an toàn thực phẩm, cập nhật danh sách được phép xuất khẩu, quy định danh mục chỉ tiêu và mức giới hạn… chưa minh bạch và kịp thời.
Theo thống kê từ Hải quan Nhật Bản, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng tôm có mã HS 0306 trong 11 tháng năm 2017 của Nhật Bản đạt 256,7 tỷ Yên (tương đương 2,3 tỷ USD), tăng 8% so với 11 tháng năm 2016. Trong đó, Việt Nam là nguồn cung lớn nhất cho Nhật Bản chiếm 17,3% trong tổng nhập khẩu mã HS 0306 của Nhật Bản.
Nhật Bản là quốc gia nhập khẩu thủy sản lớn thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ và đứng đầu Châu Á. Đây cũng là quốc gia có mức tiêu thụ thuỷ sản bình quân đầu người cao nhất thế giới (67kg/người/năm). Người Nhật Bản coi trọng nguồn cung cấp protein từ tôm cá. Đặc biệt trong năm, người Nhật có tới hàng trăm lễ hội và mỗi lễ hội hầu như có một hay vài món ăn chế biến từ thuỷ sản.
Nguồn Enternews