Chủ Nhật, 24/11/2024 23:56:16 GMT+7
Lượt xem: 1005

Tin đăng lúc 15-08-2021

Thủy sản vượt “bão” Covid-19

Xuất khẩu thủy sản trong 7 tháng đầu năm vẫn duy trì tăng trưởng, dù doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này có duy trì được hay không phụ thuộc rất lớn vào tốc độ kiểm soát dịch bệnh của cả nước.
Thủy sản vượt “bão” Covid-19
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm sẽ phụ thuộc lớn vào tốc độ kiểm soát dịch bệnh

Tăng trưởng trong khó khăn

 

Theo Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản đạt 4,98 tỉ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính riêng trong tháng 7, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 854 triệu USD, tăng 0,6 so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2020.

 

Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của ngành thủy sản Việt Nam với trên 1,14 tỉ USD trong 7 tháng, chiếm 22,9% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Mỹ cũng là thị trường tăng trưởng nhiều nhất của ngành thủy sản tính trong 7 tháng đầu năm.

 

Nhật Bản chiếm vị trí thứ 2 trong số những thị trường nhập khẩu thủy sản nhiều nhất của Việt Nam trong 7 tháng. Ngoài ra, những thị trường nhập khẩu thủy sản chính của Việt Nam là EU và Trung Quốc cũng ghi nhận sự tăng trưởng.

 

Đáng chú ý, Việt Nam hiện đã trở thành nước cung cấp sản phẩm tôm lớn nhất cho Úc, chiếm tỷ trọng áp đảo đến 62% tổng giá trị nhập khẩu tôm của nước này. Trong khối thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Úc được đánh giá là thị trường tiềm năng nhất. Nhờ những hiệu ứng tích cực từ hiệp định này, hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Úc ghi nhận sự tăng trưởng rất tốt.

 

Cụ thể, trong 6 tháng đầu 2021, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Úc đạt 88,7 triệu USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm trước. Nước này cũng là thị trường tăng trưởng nhiều nhất trong số các thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam.

 

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt NAm (VASEP), từ cuối năm 2020 và nửa đầu năm 2021 các nhà cung cấp và phân phối bản lẻ của nước này đã dần thích nghi với tình hình dịch bệnh.

 

Các hoạt động mua bán đã được nối lại, phương thức thanh toán bán hàng cũng được thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Dịch vụ giao hàng tại nhà tăng lên, ưu tiên cho thanh toán bằng thẻ, chuỗi nhà hàng, nhà cung cấp thủy sản đạ phương cũng chấp nhận đặt hàng trước đã thúc đẩy mức độ tiêu dùng của người dân nước này.

 

Chính điều đó đã khiến hoạt động nhập khẩu tôm của Úc tăng lên, và Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi từ việc thị trường này bắt đầu phục hồi.

 

VASEP cũng đánh giá, hiện các thị trường chính của Việt Nam đã có những sự hồi phục trong thời gian vừa qua. Mỹ, EU hay Nhật Bản đều không còn chịu quá nhiều sự tác động từ dịch bệnh Covid-19. Do đó nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường này tăng lên, kéo theo sự tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu của ngành thủy sản Việt Nam.

 

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu phụ thuộc tốc độ kiểm soát dịch bệnh

 

Tuy nhiên, thời gian qua, các doanh nghiệp ngành thủy sản Việt Nam đã gặp khó bởi tình hình dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, thời gian qua, hầu hết các tỉnh thành đã yêu cầu các doanh nghiệp chỉ được duy trì hoạt động khi đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường – 2 địa điểm” để phòng, chống dịch bệnh lây lan vào các nhà máy, các khu công nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”. Với những nhà máy thực hiện được, thì số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30-50% số lượng lao động, số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương. Do đó, công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây.

 

Bên cạnh đó, nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến cũng chỉ đạt khoảng 40-50% do việc thực hiện giãn cách chung, dẫn đến sản xuất gặp nhiều khó khăn.

 

Nhận định về tình hình xuất khẩu thủy sản những tháng còn lại của năm 2021, VASEP cho rằng tất cả đều phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trong nước.

 

Vừa qua, Bộ Y tế đã có văn bản số 6565/BYT-MT gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc phòng, chống COVID-19 tại cơ sở lao động sản xuất kinh doanh. Văn bản nêu rõ, để các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp (đơn vị) chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo sản xuất kinh doanh, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố căn cứ các hướng dẫn của BCĐ quốc gia, Bộ Y tế và đặc biệt dựa trên đánh giá tình hình thực tế tại địa phương để hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch và phương án phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả. Đây được coi là quyết định kịp thời giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh,

 

Bên cạnh đó, VASEP kiến nghị Chính phủ nhanh chóng triển khai tiêm vắc xin cho người lao động ngành thủy sản. Khi tạo được miễn dịch cộng đồng, dịch bệnh được khống chế, việc duy trì mức độ tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2021 là hoàn toàn có thể.

 

Theo Congthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang