Thực hiện Chị thị của lãnh đạo Bộ Công Thương, nhằm tìm ra các giải pháp tiêu thụ nông sản mùa vụ cho nông dân vùng dịch, sáng 27/5, Tổng cục QLTT tổ chức cuộc họp đột xuất trực tuyến với 63 điểm cầu trong lực lượng để bàn về các giải pháp tiêu thụ nông sản.
Để quá trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong làn sóng Covid-19 lần này mang lại hiệu quả, an toàn, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Cục trường Cục QLTT TP Hà Nội cho rằng, cần có các giải pháp để đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa về Hà Nội phải có Chứng nhận phòng chống dịch. Đối với lái xe chở nông sản, cần chứng minh âm tính với Covid-19 để người dân Thủ đô và các cửa hàng kinh doanh an tâm kinh doanh, tiêu thụ.
Ông Hùng cũng cho biết, từ năm 2018, Hà Nội đã triển khai xây dựng Đề án quản lý kinh doanh trái cây. Chương trình được thí điểm năm 2019 với sự tham gia của 12 quận nội thành cùng 900 cửa hàng kinh doanh. Năm 2021, số lượng cửa hàng kinh doanh trái cây được treo biển nhận diện lên đến 1.500 cửa hàng và 1.862 cửa hàng kinh doanh mặt hàng trái cây; 200 siêu thị; 1.500 cửa hàng tiện ích và 3 chợ đầu mối chuyên biệt về nông sản.
“Hà Nội không chỉ giải cứu các tỉnh mà còn giải cứu Hà Nội. Đơn cử trong năm 2020, Hà Nội đã hỗ trợ tiêu thụ 43.000 tấn hàng hóa cho các địa phương và 1.500 tấn củ cải cho địa bàn Long Biên, Hà Nội”, ông Hùng thông tin.
Khẳng định lực lượng QLTT TPHCM sẽ tăng cường phối hợp với các Sở, ngành, các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lưu thông hàng hóa, ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục QLTT TPHCM cho biết, lực lượng đang tăng cường tuyên truyền đến tổ chức, cá nhân hỗ trợ, hưởng ứng thực hiện chủ trương của Chính phủ, của Bộ, ngành thúc đẩy tiêu thụ nông sản, vừa bảo đảm phòng tránh dịch bệnh Covid-19.
“Các Đội Quản lý trường địa bàn tích cực phối hợp với các phòng, ban, UBND các phường, xã tuyên truyền vận động các Ban quản lý siêu thị, chợ và tiểu thương tích cực hưởng ứng thu mua nông sản mùa vụ để kinh doanh, chung tay giải quyết khó khăn của bà con nông dân", Cục trưởng Trương Văn Ba nêu rõ.
Cũng theo ông Ba, lực lượng QLTT thành phố đã chủ động, phối hợp triển khai đến các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ truyền thống… có kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ nông sản mùa vụ; tuyền truyền, vận động tiểu thương hỗ trợ thu mua để tiêu thụ nông sản góp phần hỗ trợ cho bà con nông dân; Đồng thời quản lý tốt địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện mua bán các mặt hàng nông sản mùa vụ trong tình hình hiện nay.
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT, dịp này với hơn 6.300 cán bộ QLTT sẽ là những người tiêu dùng cùng chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Ông Linh giao cho Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính làm đầu mối tổng hợp, theo dõi thông tin trong toàn lực lượng về việc thực hiện các nội dung theo Chỉ thị 07, Chỉ thị 08 của Bộ Công Thương.
Ông Linh cho biết, ngay sau khi cuộc họp kết thúc, Tổng cục QLTT sẽ có văn bản gửi UBND các tỉnh, Sở Công Thương, Cục QLTT các tỉnh triển khai nghiêm túc các Chỉ thị 07, 08 của Bộ Công Thương. Tổng Cục trưởng cũng đề nghị các Cục QLTT phải chủ động phối hợp với các đơn vị tại địa phương cùng bàn giải pháp triển khai phù hợp với địa bàn mỗi tỉnh. Giao cho các Đội QLTT đi từng địa bàn tuyên truyền phổ biến vận động các cửa hàng, kho bến bãi cùng chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân.
Đặc biệt, các Cục QLTT phải có báo cáo gửi UBND tỉnh để chỉ đạo chung trong các Ban phòng chống dịch, Ban 389 tỉnh về việc tạo điều kiện thông thoáng cho hàng nông sản lưu thông trong tỉnh. Bên cạnh đó, các địa phương cần phối hợp tốt với lực lượng QLTT đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, vận động bà con, cơ sở kinh doanh có hình thức tiêu thụ an toàn, phù hợp, hỗ trợ nông dân trong cả nước tiêu thụ trong nội địa./.
Theo VOV