Sở dĩ có sự quan ngại này, bởi theo Sở Y tế TP Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn còn rất nhiều cơ sở sản xuất đá viên tự phát, không giấy phép từ cơ quan chức năng. Nguy hiểm hơn, đa phần các cơ sở này đều chưa qua xử lý an toàn thực phẩm để sản xuất đá viên, không đảm bảo chất lượng. Đặc biệt còn có tình trạng làm “nhái” những nhãn hiệu nổi tiếng khiến nơi tiêu thụ, người tiêu dùng khó phân biệt đâu là thật, đâu là giả.
Theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, trong năm qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm nói chung và quản lý các cơ sở sản xuất đá viên, đá cây, nước uống đóng chai,… trên địa bàn nói riêng đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, vẫn còn nhiều cơ sở vi phạm. Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm mẫu nước sản xuất, nước đá dùng liền không đạt chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất; nhãn sản phẩm không đúng quy định; người lao động chưa có giấy khám sức khỏe hoặc có nhưng hết hạn…
Dù đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra nhưng công tác quản lý an toàn thực phẩm sản xuất đá viên, đá cây hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, do địa bàn rộng, số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng đá viên nhiều, lực lượng giám sát, kiểm tra không đáp ứng đủ. Một số đối tượng kinh doanh hoạt động lén lút khó phát hiện. Bên cạnh đó, ở một số địa bàn, chính quyền địa phương vẫn chưa thực sự vào cuộc kiểm soát an toàn thực phẩm nói chung.
Chị Nguyễn Thị Thu Huyền ở phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: “Trước dịp nghỉ hè vừa qua, đúng hôm thời tiết nắng nóng, tại cổng trường học, cháu Minh Đức nhà tôi có mua đồ uống sử dụng đá viên không rõ nguồn gốc. Về nhà cháu bị đau bụng và đi ngoài nhiều lần, khiến gia đình chúng tôi rất lo ngại về các sản phẩm giải khát ngày hè có sử dụng đá viên hiện nay…”.
Trà đá vỉa hè tiểm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm với đá viên không đảm bảo chất lượng
Các chuyên gia an toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, ngay cả khi nguồn nước được thanh lọc tốt, nhưng với những dụng cụ, thiết bị sản xuất không đảm bảo vệ sinh, đá viên vẫn có thể bị nhiễm khuẩn. Khâu vận chuyển không đảm bảo cũng sẽ làm sản phẩm bị nhiễm khuẩn, khi người ta cột nước đá đằng sau những chiếc xe với những bệ đỡ bị hen rỉ rồi chở đi phân phối khắp nơi…
Còn theo các chuyên gia y tế, bác sỹ chuyên môn, nhiệt độ đông của nước đá không có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn như nhiều người vẫn lầm tưởng. Sử dụng đá viên mà không biết rõ sản xuất từ đâu, sản xuất thế nào thì không khác gì việc uống nước lã, tác hại là như nhau. Chúng có thể chứa những vi khuẩn nguy hiểm như ecoli hay coliform…
Khi sử dụng nước đá nhiễm khuẩn, những vi khuẩn đó sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng ở nhiều mặt, trước hết là ảnh hưởng đến đường tiêu hoá dẫn đến các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, cũng như đau họng và cảm cúm. Nghiêm trọng hơn, những vi sinh vật có trong nước đá bẩn còn có thể gây ra bệnh viêm gan siêu vi A. Bên cạnh đó, những vi sinh hay kim loại nặng như chì, thuỷ ngân lẫn trong nước đá thì mắt thường không nhìn thấy được. Việc này gây khó dễ cho người tiêu dùng hiện nay.
Theo quy định của Bộ Y tế, tiêu chuẩn sản xuất đá viên tinh khiết phải đảm bảo: Nguồn nước phải lấy từ độ sâu 90m, được lọc bằng công nghệ RO.UV; các bộ phận như khuôn đá, dao cắt đá, bồn cấp nước làm đá, cối lạnh và gàu tải đá của hệ thống máy sản xuất đá phải được làm từ thép không gỉ…
Tuy nhiên, vào những ngày hè, nhu cầu sử dụng đá viên tăng lên cao, để đáp ứng nhu cầu này và tối đa hóa lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất lén lút sẽ bỏ qua các tiêu chuẩn trên. Trước thực trạng đó, để bảo vệ chính mình, người tiêu dùng hãy sử dụng nước giải khát có đá viên ở những địa chỉ tin cậy, có trách nhiệm…
Nam Hà