Thứ Hai, 25/11/2024 14:47:14 GMT+7
Lượt xem: 1053

Tin đăng lúc 15-07-2020

Tiềm năng xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ

Việt Nam có nhiều tiềm năng và dư địa xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản sang Hoa Kỳ, nhưng phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ… mới có thể xâm nhập được thị trường này.
Tiềm năng xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ
Việt Nam có nhiều tiềm năng và dư địa xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản sang Hoa Kỳ. Ảnh minh họa.

Thời gian qua, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ liên tục phát triển trên nhiều lĩnh vực; trong đó có hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và thương mại nông sản. Tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực thương mại nông sản giữa hai nước rất lớn, không mang tính cạnh tranh mà bổ trợ lẫn nhau.

 

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hoa Kỳ hiện là nước đứng đầu thế giới về sản xuất nông nghiệp hiện đại, trong khi Việt Nam đang trong quá trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn và gắn với nhu cầu thị trường.

 

Việt Nam có thế mạnh với nhiều sản phẩm đặc trưng của vùng nhiệt đới như hoa quả và các sản phẩm thủy sản chất lượng cao. Đổi lại thị trường Việt Nam rất tiềm năng cho doanh nghiệp Hoa Kỳ xuất khẩu thiết bị và công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp, vật tư đầu vào cho các ngành trồng trọt và chăn nuôi.

 

Về thương mại, Hoa Kỳ là đối tác quan trọng đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Hoa Kỳ hiện là thị trường nông lâm thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam. Đổi lại thị trường nông sản Việt Nam cũng rất quan trọng trong chính sách phát triển thị trường của Hoa Kỳ hướng tới mục tiêu phát triển thương mại hài hòa và bền vững giữa hai nước.

 

Kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tăng từ 4,37 tỷ USD năm 2011 lên mức 10,56 tỷ USD năm 2019, đạt mức tăng trưởng trung bình 29%/năm. Các mặt hàng chủ đạo của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ gồm: đồ gỗ nội thất, thủy sản, hạt điều, cà phê, hạt tiêu và các mặt hàng rau, hoa, quả và ngũ cốc khác cũng đang có tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định. 

 

Các sản phẩm có tỷ lệ xuất khẩu lớn sang Hoa Kỳ là thủy sản chiếm 17,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản; hạt điều 31,3%; hạt tiêu 19,8%; mây, tre, đan, cói, thảm 30,3%; gỗ và sản phẩm gỗ 50%. Các mặt hàng nông lâm thủy sản chính Việt Nam nhập khẩu từ Hoa Kỳ gồm: các sản phẩm sữa, chiếm 12,7% thị phần nhập khẩu sữa của Việt Nam, rau quả chiếm 17,1%, đậu tương chiếm 44,7%, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu chiếm 16,9%.

 

Bên cạnh đó, ông Anh Tuấn cho hay, Việt Nam có nhiều tiềm năng và dư địa xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản sang Hoa Kỳ, nhưng phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ… mới có thể xâm nhập được thị trường này.

 

Để xuất khẩu thành công sang thị trường Hoa Kỳ, trước hết các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng, tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng, nắm rõ các quy định, luật lệ và yêu cầu của liên bang cũng như tiểu bang về các vấn đề trên. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện giám sát toàn bộ chuỗi sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm và nâng cao tính minh bạch.

 

Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt của Cơ quan thanh tra Kiểm dịch động thực vật (APHIS), Cơ quan thanh tra An toàn thực phẩm (FSIS), Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) về tiêu chuẩn sản xuất, an toàn thực phẩm, ghi nhãn, đăng ký các tiêu chuẩn về môi trường, lao động, nguồn gốc xuất xứ… Các doanh nghiệp cũng phải lưu giữ đầy đủ hồ sơ quá trình sản xuất, chế biến để truy xuất thông tin và phục vụ các đợt thẩm tra tại chỗ của các cơ quan chức năng Hoa Kỳ. 

 

Thị trường Hoa Kỳ có dung lượng lớn nhưng chi phí tuân thủ các quy định rất cao nếu xuất khẩu với số lượng nhỏ lẻ sẽ không đảm bảo lợi nhuận. Các doanh nghiệp cần xây dựng quy mô sản xuất đủ lớn, đầu tư vào khâu chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng và đáp ứng các đơn hàng từ phía Hoa Kỳ.

 

Thực tế cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta đều ở quy mô vừa và nhỏ tiềm lực còn hạn chế, trong khi đó hoạt động sản xuất quy mô lớn, kho vận logistics cho nông sản xuất khẩu đòi hỏi nguồn lực lớn về tài chính và kỹ thuật. Do đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết sản xuất nhằm nâng cao tính cạnh tranh về giá của sản phẩm.

 

Đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp là khối các cơ quan nhà nước, hiệp hội ngành hàng. Theo đó, các cơ quan chức năng cần có quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu gắn liền với hỗ trợ chế biến sau thu hoạch, có các chính sách cụ thể ưu đãi đối với hệ thống logistics trong lĩnh vực bảo quản, chế biến, vận chuyển nông sản, cung cấp và giải đáp kịp thời các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật để các hiệp hội và doanh nghiệp chủ động chuẩn bị kế hoạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

 

Theo VietQ

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang