Dù nằm trên con phố có 2-3 cửa hàng tiện lợi ngay bên cạnh, song mỗi ngày tiệm tạp hóa của chị Phương (đường Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vẫn nhộn nhịp khách hàng ra vào mua sắm, đặc biệt là giờ cao điểm. "Khách hàng của tiệm tạp hóa phần lớn là khách quen, đã mua hàng lâu năm. Có đuổi cũng không đi!", chị Phương nói vui.
Chiếm lĩnh "miếng bánh béo bở"
Nhiều khi khách quen ra mua hàng thiếu tiền, chị Phương sẵn sàng cho nợ. Công dụng của các sản phẩm mới cũng được chị giới thiệu tường tận.
"Gia đình tôi hay đi siêu thị vào mỗi dịp cuối tuần, nhưng chủ yếu là mua đồ ăn tươi sống. Còn mỗi khi thiếu gì cứ chạy ra tạp hóa mua hàng, vừa nhanh, tiện mà giá lại rẻ hơn", chị Hạnh nói.
Số liệu từ Nielsen cho thấy, Việt Nam đang có hơn 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75%, doanh thu trên dưới 10 tỷ USD mỗi năm. Thời gian qua, không ít siêu thị phải từ bỏ cuộc chơi trên thị trường bán lẻ, trong khi các cửa hàng tạp hóa dù có quy mô nhỏ bé, vẫn tăng trưởng vượt bậc.
Sức hấp dẫn của các hiệu tạp hóa cho thấy rõ khi vừa qua, Vingroup quay lại thị trường bán lẻ với ứng dụng VinShop - một sản phẩm công nghệ kết nối cung ứng hàng hóa trực tiếp từ nhà sản xuất tới chủ cửa hàng tạp hóa. Đáng chú ý, ngay tại thời điểm ra mắt, VinShop đã giúp kết nối trực tiếp các nhà cung cấp với hơn 20.000 chủ tiệm tạp hóa tại 2 thị trường lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM và sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ai đang dẫn dắt "cuộc chơi"?
Bình luận về động thái nhảy vào phân khúc cửa hàng tạp hóa của Vingroup, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, đây là một bước đi khôn ngoan. Các cửa hàng tạp hóa được xem là "cánh tay" đắc lực đưa hàng hóa tiếp cận tới người dùng một cách nhanh, thuận tiện nhất. Đặc biệt trong giai đoạn khó khăn, đa phần các hiệu tạp hóa vẫn "sống khỏe".
"Mua hàng ở tạp hóa đã trở thành văn hóa của người dùng trên mọi miền đất nước, đặc biệt là những vùng sâu xa, hải đảo - nơi mà siêu thị chưa thể tới", ông Phú nói.
Đặc biệt, trong thời đại công nghệ hiện nay, chủ các cửa hàng tạp hóa cũng không chịu ngồi yên, mà đã ứng dụng công nghệ để bán hàng online, đa dạng mặt hàng kinh doanh từ đồ khô tới tươi sống, phục vụ khách hàng nhanh chóng... Đây là những yếu tố hấp dẫn người tiêu dùng.
Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội khẳng định sự vươn lên của các cửa hàng tạp hóa là chỉ dấu cảnh báo đối với các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi lớn, nhỏ. Nếu kênh bán lẻ hiện đại không nỗ lực vươn lên, chắc chắn sẽ lép vế so với tạp hóa.
Ông Phú chỉ ra bất cập trong các hệ thống siêu thị hiện nay là chi phí chiết khấu cao. Ngoài chiết khấu, hàng Việt vào siêu thị còn phải chịu các khoản khác như phí tạo mã, mà một lô hàng nhập vào siêu thị có thể phải đóng từ 10-20 triệu đồng. Điều này khiến nhiều nhà sản xuất không mặn mà đưa hàng vào siêu thị.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan - nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, các nhà bán lẻ truyền thống đã chấp nhận cạnh tranh thay vì sợ hãi trước bán lẻ hiện đại. Họ biết những hạn chế, nhược điểm của mình, hiểu được nhu cầu người tiêu dùng Việt Nam thời hội nhập để mang lại giá trị tốt hơn cho khách hàng mà kênh bán lẻ hiện đại chưa làm được. Đó là điều mà kênh bán lẻ hiện đại phải lưu tâm.
Mặt khác, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội nhìn nhận, cửa hàng tạp hóa mới vẫn đang tiếp tục ra đời nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Để giữ vị trí thống lĩnh trong tương lai, mô hình bán lẻ truyền thống cần tiếp tục tận dụng tốt lợi thế sẵn có, trang bị thêm kiến thức, đồng thời cập nhật, ứng dụng công nghệ mới trong việc quản lý hàng hóa, cắt giảm bớt khâu trung gian. Bên cạnh đó, các cửa hàng tạp hóa cần phải giữ uy tín, đảm bảo chất lượng hàng hóa.
Theo Thời báo kinh doanh