Tại Lễ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 không lâu, ông Lê Văn Hưởng là một trong số ít chủ tịch UBND tỉnh tham dự. Đáng nói hơn, Tiềng Giang đang ở nửa dưới của bảng xếp hạng.
Tăng cường tương tác
Ông Lê Văn Hưởng lý giải chính vì Tiền Giang đang ở nhóm có điểm PCI thấp nên phải trực tiếp đến để lắng nghe những phản hồi từ phía cộng đồng DN với chính quyền để từ đó có những giải pháp, hành động sát với thực tiễn.
Cũng theo ông Hưởng, PCI là một trong những cuộc điều tra DN lớn nhất được tiến hành thường niên tại Việt Nam. PCI 2016 là “tiếng nói” của hơn 10.000 DN dân doanh trong nước và gần 1.550 DN có vốn đầu tư nước ngoài về chất lượng điều hành và môi trường kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Không có một mẫu số chung cho các địa phương về việc cải thiện nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng rõ ràng với những phân tích trong báo cáo PCI, các khuyến nghị của các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế và hơn cả là các đánh giá của cộng đồng DN sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh có thể xây dựng được các giải pháp và lộ trình thực hiện phù hợp.
Thực tế, PCI đã trở thành cảm hứng và áp lực tuyệt vời cho việc cải cách tại các địa phương và cơ sở. Từ một bộ chỉ số chỉ có tính chất khuyến cáo và kiến nghị địa phương tham gia một cách tự nguyện đã trở thành một yêu cầu bắt buộc được ghi trong nghị quyết của Chính phủ.
Đối diện với thực tế, lắng nghe tiếng nói của cộng đồng DN để xây dựng chính sách và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc là hướng đi mà tỉnh Tiền Giang đang đẩy mạnh thực hiện. Theo định kỳ hàng tháng, vào thứ bảy của tuần cuối tháng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang có buổi tiếp xúc với các DN trên địa bàn tỉnh, cùng tham dự có lãnh đạo các sở, ngành tỉnh để kịp thời chỉ đạo trực tiếp các ngành chức năng khảo sát và giải quyết sớm cho DN, có ý kiến trả lời bằng văn bản để DN an tâm hoạt động. Đây là lịch làm việc được công bố rộng rãi, tất cả các DN có ý kiến, kiến nghị sẽ được Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp tiếp và giải quyết một cách cụ thể tùy theo trường hợp.
Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 3.835 DN và khoảng 62.300 hộ kinh doanh hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh. Tuy nhiên, hầu hết DN trên địa bàn tỉnh có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, chiếm khoảng 97% trên tổng số; năng lực kết nối thị trường, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, dẫn đến các sản phẩm của DN chưa được phân phối rộng rãi; số lượng DN đầu tư, phát triển sản xuất – kinh doanh ở các mặt hàng chủ lực, mang tính đặc trưng, lợi thế của tỉnh chưa nhiều, năng lực quản lý kinh doanh thấp,…
Nâng chất và lượng
Cộng đồng doanh nghiệp cũng rất quan tâm tới việc đóng góp ý kiến để cải thiện môi trường đầu tư tại Tiền Giang
Từ thực trạng đó, Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy đề ra mục tiêu là tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch thân thiện để thu hút đầu tư, phát triển DN cả về số lượng và chất lượng với quy mô hợp lý, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị cung ứng hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực, đặc trưng và có lợi thế cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, DN. Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy đề ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2020, toàn tỉnh có 5.000 DN hoạt động, tạo việc làm cho 200.000 lao động.
Thực hiện được mục tiêu này, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-TU. Mục tiêu là xây dựng chính quyền hỗ trợ, phục vụ DN, nhà đầu tư. Tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính…nhằm tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển DN. Quán triệt đến từng cán bộ, công chức, viên chức nhằm làm chuyển biến mạnh mẽ tinh thầntrách nhiệm, thái độ, đạo đức,…của cán bộ, công chức trong phục vụ nhà đầu tư, DN.
Trong năm 2017, UBND tỉnh Tiền Giang xây dựng kế hoạch tổ chức chức 04 hội nghị đối thoại DN. Cụ thể như sau: Quý I: Đối thoại với tất cả DN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; tổ chức trong tuần cuối tháng 3/2017. Quý II: Đối thoại với tất cả DN trong Khu công nghiệp Tân Hương và KCN Long Giang; tổ chức trong tuần cuối tháng 6/2017. Quý III: Đối thoại với tất cả DN trong Khu công nghiệp Mỹ Tho, CCN Trung An và CCN Tân Mỹ Chánh; tổ chức trong tuần cuối tháng 9/2017. Quý IV: Đối thoại với tất cả DN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; tổ chức trong tuần cuối tháng 12/2017. Các cuộc đối thoại này do đích thân Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tại các cuộc đối thoại đều có báo cáo kết quả, tiến độ giải quyết các vướng mắc, khó khăn, kiến nghị của tất doanh nghiệp tại kỳ đối thoại trước.
Để hoạt động đối thoại phát huy hiệu quả, các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp được tập hợp thông qua các kênh: Phát thanh và truyền hình tỉnh Tiền Giang; Báo Ấp Bắc; Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang; Trang Thông tin điện tử Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh; Doanh nghiệp gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thông tin từ các Sở, ngành có liên quan.
Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Cộng đồng DN là lực lượng rất quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nguồn cho thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Bởi vậy, UBND tỉnh cùng các sở, ngành và địa phương luôn quan tâm và sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ Hiệp hội, DN, doanh nhân vượt qua khó khăn, thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Không chỉ để lắng nghe tháo gỡ khó khăn của DN mà UBND tỉnh còn mong muốn thông qua các cuộc đối thoại sẽ nhận được hiến kế để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả điều hành. UBND tỉnh cũng mong rằng, từ thực tế hoạt động, cộng đồng DN sẽ thường xuyên nghiên cứu, đề xuất với UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương các giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển DN và xây dựng đội ngũ doanh nhân. Mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 5.000 DN hoạt động, tạo việc làm cho 200.000 lao động.
Nguồn Enternews