Thứ Năm, 21/11/2024 19:31:11 GMT+7
Lượt xem: 405

Tin đăng lúc 15-06-2024

Tiền Giang: Hiệu quả từ chất lượng điều hành kinh tế

Với những nỗ lực vượt trội trong cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2024 của Tiền Giang ước tăng 4,71% so với cùng kỳ, tăng cao giai đoạn 2020-2024.
Tiền Giang: Hiệu quả từ chất lượng điều hành kinh tế
Ông Nguyễn Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang làm việc với huyện Cai Lậy về tình hình phát triển kinh tế - xã hội

Theo Báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang, GRDP 6 tháng đầu năm 2024 tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 32.976 tỷ đồng, tăng 5,56% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,63%); quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 4,47%, quý II tăng 6,63%).

 

Trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 11.551 tỷ đồng, tăng 3,32% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,7%); khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 9.682 tỷ đồng, tăng 7,07% (cùng kỳ tăng 3,74%) và khu vực dịch vụ (bao gồm thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm) ước đạt 11.743 tỷ đồng, tăng 6,59% (cùng kỳ tăng 5,6%); nếu tách riêng thuế sản phẩm thì khu vực dịch vụ tăng 6,73% (cùng kỳ tăng 6,28%) và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,86% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,22%). GRDP tính theo giá hiện hành đạt 63.784 tỷ đồng.

 

Tín hiệu khởi sắc

 

Theo Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, Tiền Giang đã tăng 21 bậc so với năm 2022 và nằm trong tốp 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt trong PCI năm 2023. Với nỗ lực bền bỉ trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, công tác thu hút đầu tư vào Tiền Giang có nhiều tín hiệu khởi sắc, đã có thêm nhiều nhà đầu tư quan tâm sau khi tỉnh tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến Đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm 2024, thu hút được 05 dự án mới, giảm 01 dự án so với cùng kỳ, vốn đầu tư đăng ký 6.692 tỷ đồng; có 08 dự án tăng vốn 1.292 tỷ đồng. Nâng tổng vốn đầu tư thu hút đến hết tháng 6 được 7.984 tỷ đồng, tăng 4,1 lần so cùng kỳ.

 

Đặc biệt, với việc triển khai các đồng bộ các giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh đã có 430 doanh nghiệp thành lập mới (trong đó, có 25 doanh nghiệp phát triển từ hộ kinh doanh) với vốn đăng ký 2.785 tỷ đồng, đạt 48,3% kế hoạch năm 2024, tăng 5,7% về số lượng và tăng 2,9% về vốn đăng ký so cùng kỳ 2023. Lũy kế đến cuối tháng 6/2024, toàn tỉnh có 6.115 doanh nghiệp, 5.103 đơn vị trực thuộc doanh nghiệp đang hoạt động.

 

Trong bối cảnh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược nước lớn gay gắt; kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi nhưng chưa ổn định, sức ép lạm phát và lãi suất ở một số nền kinh tế dự báo có thể tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2024, kinh tế Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng trong 6 tháng cuối năm tiếp tục được đánh giá tích cực nhờ tăng trưởng của tiêu dùng nội địa, xuất nhập khẩu hàng hóa và việc đẩy mạnh đầu tư công, gia tăng nguồn vốn đầu tư nước ngoài…

 

Mở rộng dư địa

 

Để phát huy tiềm năng, lợi thế cũng như mở rộng dư địa phát triển, giữ vững đà tăng trưởng, Tiền Giang sẽ tập trung hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh; xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai thực hiện hiệu quả, tạo động lực tăng trưởng mới. Tỉnh sẽ rà soát, cập nhật các quy hoạch vùng huyện, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành,… đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh; tổ chức Hội nghị triển khai những định hướng phát triển theo Quy hoạch tỉnh tại 02 vùng động lực của tỉnh là vùng Gò Công và Đông Nam Tân Phước.

 

Bên cạnh đó, Tiền Giang tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 10-NQ/TU về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng; Nghị quyết 11-NQ/TU về phát triển du lịch của tỉnh Tiền Giang; Nghị quyết 05-NQ/TU về lãnh đạo xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết 07-NQ/TU về tiếp tục lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án;

 

Tỉnh cũng sẽ nắm bắt, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, khuyến mại, kết nối, kích cầu tiêu dùng trong nước; tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử. Triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng, khai thác tối đa hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; tạo thuận lợi tối đa, hỗ trợ doanh nghiệp trong thông quan hàng hóa, đáp ứng kịp thời các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh đối với hàng hóa xuất khẩu. Tích cực, chủ động thu hút đầu tư FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn…

 

Đồng thời, tỉnh sẽ thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2025; Thực hiện có hiệu quả Chương trình số 52-CTr/TU ngày 22/02/2024 của Tỉnh ủy Tiền Giang thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

 

Đặc biệt, Tiền Giang sẽ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút nguồn lực xã hội; tập trung thúc đẩy tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, dự án liên vùng, liên tỉnh.

 

Theo DiendanDN.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang