Chủ Nhật, 06/10/2024 13:46:26 GMT+7
Lượt xem: 93

Tin đăng lúc 12-09-2024

Tiến sĩ người Việt và cộng sự tìm ra công nghệ tạo thuốc tiêu diệt tế bào ung thư

Sau thời gian dài tìm tòi, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ người Việt Nam Trần Thị Hiền (40 tuổi) cùng Giáo sư Catharina Svanborg (Đại học Lund, Thụy Điển) đã tìm ra công nghệ tạo thuốc 'hủy diệt' tế bào ung thư.
Tiến sĩ người Việt và cộng sự tìm ra công nghệ tạo thuốc tiêu diệt tế bào ung thư
Tiến sĩ người Việt Nam Trần Thị Hiền cùng các cộng sự đã tìm ra công nghệ tạo thuốc 'hủy diệt' tế bào ung thư. Ảnh: VnExpress

Phức hợp alpha lactalbumin-oleic acid (HAMLET) - một chất có trong sữa mẹ, đã được phát hiện từ năm 1995 bởi nhóm nghiên cứu của Giáo sư Catharina Svanborg (Đại học Lund, Thụy Điển) và nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới khoa học.

 

Theo nhiều nhóm nghiên cứu, khả năng tiêu diệt tế bào ung thư một cách chọn lọc của HAMLET đã mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng trong điều trị ung thư. Tuy nhiên, việc tạo ra phức hợp này một cách ổn định và quy mô lớn để sản xuất thuốc vẫn còn là một thách thức lớn đối với các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới. Các nhà khoa học mới chỉ tạo được phức hợp HAMLET ở quy mô phòng thí nghiệm và ổn định trong thời gian ngắn.

 

Sau thời gian dài tìm tòi, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ người Việt Nam Trần Thị Hiền (40 tuổi) cùng Giáo sư Catharina Svanborg (Đại học Lund, Thụy Điển) đã tìm ra quy trình tạo phức hợp đưa vào thử nghiệm lâm sàng và quy mô sản xuất công nghiệp. Đây cũng là nhóm nghiên cứu đầu tiên làm được điều này.

 

Theo nghiên cứu, phức hợp HAMLET có thành phần alpha lactalbumin là một protein tìm thấy trong sữa bò hoặc sữa mẹ nên có tính an toàn cao. Phức hợp không gây ra độc tính hay tác dụng phụ như các thuốc hóa trị, xạ trị thường thấy mà đặc hiệu trên tế bào ung thư.

 

Từ năm 2015, Tiến sĩ Hiền cùng nhóm nghiên cứu đã không ngừng nỗ lực để tìm ra quy trình sản xuất ổn định phức hợp này trên quy mô công nghiệp. Sau gần một thập kỷ nghiên cứu, nhóm đã đạt được bước đột phá quan trọng khi hoàn thiện quy trình và phát triển thành công một chế phẩm đáp ứng tiêu chuẩn GMP. Bên cạnh đó, nhóm cũng đã xây dựng phương pháp đánh giá hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư của thuốc sau khi sản xuất.

 

Hiện tại, nhóm nghiên cứu đã đạt được những kết quả khả quan trong giai đoạn tiền lâm sàng khi áp dụng phức hợp HAMLET trong điều trị và dự phòng đối với nhiều loại ung thư khác nhau, bao gồm ung thư đại trực tràng, tuyến tiền liệt, cổ tử cung, khoang miệng, da, gan, dạ dày, phổi, vú, hạch bạch huyết, vòm họng. Đặc biệt, phức hợp HAMLET đã được FDA phê duyệt để tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên bệnh nhân ung thư bàng quang và giai đoạn 1 trên bệnh nhân ung thư não ác tính.

 

Phức hợp này đã được chứng minh có khả năng tiêu diệt đặc hiệu tế bào nhiễm virus HPV, mở ra hướng đi mới trong điều trị các bệnh liên quan đến HPV, đặc biệt là ung thư cổ tử cung. Bằng cách tấn công RNA của virus HPV, phức hợp HAMLET tiêu diệt virus và khiến virus chết. Điều đáng chú ý là phức hợp này không gây hại đến tế bào lành, đảm bảo tính an toàn cao.

 

Tiến sĩ người Việt đang lên kế hoạch đưa công nghệ sản xuất này về nước. Cô cũng sẵn sàng hợp tác chuyển giao công nghệ cho Việt Nam với mục tiêu phát triển thuốc điều trị ung thư giá cả phải chăng hơn. Cô mong muốn hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia, bác sĩ, nhà khoa học và các tổ chức trong nước để tiến hành thử nghiệm lâm sàng và đưa sản phẩm vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị ung thư cho người bệnh Việt Nam.

 

Đề cập tới tình trạng ung thư tại Việt Nam, GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, trong năm 2024, uớc tính khoảng 200.000 ca mắc mới ung thư, số tử vong là gần 140.000, trong khi trước đó là 180.000 ca mắc mới, hơn 120.000 ca tử vong. Trong đó, dẫn đầu tỷ lệ mắc bệnh là ung thư vú, ung thư gan, ung thư phổi với tỷ lệ mắc mới và tử vong gia tăng theo từng năm.

 

GS.TS.BS Nguyễn Chấn Hùng, nguyên Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, số ca ung thư tăng là do nhiều yếu tố như già hóa dân số, tuổi thọ tăng, môi trường sống thay đổi, ô nhiễm không khí, nước. Tuổi càng cao, thời gian tích tụ và phơi nhiễm các yếu tố nguy cơ càng nhiều thì tỷ lệ mắc bệnh càng cao.

 

Các thói quen như rượu bia, thuốc lá, ăn uống, sinh hoạt không điều độ là tác nhân gây ung thư. Chẳng hạn, khẩu phần ăn ít rau quả, quá nhiều đạm mỡ làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng và nhiều ung thư khác. Tiêu thụ nhiều dưa muối chứa nitrat, nitrit dễ gây ung thư thực quản, dạ dày. Ăn thực phẩm mốc chứa aflatoxin gây ung thư gan.

 

Cùng quan điểm này, bác sĩ Lâm Trung Hiếu, Chủ nhiệm Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Viện Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, từ năm 2018 đến nay, số người mắc ung thư gan vượt qua ung thư phổi, xếp thứ nhất ở cả số mắc mới lẫn tỷ lệ tử vong tại Việt Nam. Đây là hai loại có tiên lượng xấu, thời gian sống thấp, cũng là lý do tỷ suất tử vong do ung thư ở nước ta thuộc nhóm cao toàn cầu.

 

Việt Nam cũng trong nhóm nước có tỷ lệ người bị ung thư gan cao nhất. Giáo sư Hùng lý giải số ca ung thư gan ở đàn ông cao hơn phụ nữ do đàn ông tiêu thụ nhiều rượu bia, thuốc lá. Ở cả hai giới đều có nhiều người nhiễm virus viêm gan, song đàn ông "nhiều thói hư tật xấu" nên dễ tiến triển thành ung thư gan hơn so với phụ nữ.

 

Ở phụ nữ, ung thư vú vẫn chiếm tỷ lệ cao, thậm chí tăng nhẹ vì ngày càng nhiều phụ nữ không lập gia đình, không sinh con, sinh ít con, không cho con bú - những yếu tố nguy cơ ung thư vú. Bên cạnh đó, nếp sống dư dả dẫn đến thừa cân béo phì, ít vận động cũng làm tăng nguy cơ. Điều đáng mừng là các phương pháp chẩn đoán, điều trị ung thư vú ngày càng tiến bộ, giúp phát hiện sớm, điều trị khỏi bệnh.

 

Ung thư giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể mổ bảo tồn vú, hoặc đoạn nhũ sẽ dễ dàng tạo hình ngực mới. Ngày càng nhiều loại thuốc điều trị bệnh hiệu quả cao, như thuốc hóa trị, thuốc nội tiết, các liệu pháp nhắm trúng đích... Những điều kiện này giúp ung thư vú hiện nay có tỷ lệ chữa khỏi cao hàng đầu trong các loại ung thư.

 

Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức phòng ngừa bằng lối sống lành mạnh, ăn uống hợp lý, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, bỏ thuốc lá, giảm rượu bia, tập luyện thể dục đều đặn... Tiêm vaccine phòng bệnh. Khám sức khỏe định kỳ hàng năm và đi khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường. Chủ động tầm soát ung thư sớm theo khuyến cáo về nhóm tuổi và nhóm nguy cơ.

 

Theo VietQ.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang