Thứ Hai, 07/07/2025 16:42:04 GMT+7
Lượt xem: 417

Tin đăng lúc 07-07-2025

Tiếp đà tăng trưởng, xuất khẩu ưu tiên tái cấu trúc chiến lược

Để tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam cần ưu tiên thực hiện tái cấu trúc chiến lược.
Tiếp đà tăng trưởng, xuất khẩu ưu tiên tái cấu trúc chiến lược
Xuất khẩu hàng dệt may tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong 6 tháng đầu năm, dù chịu tác động của kinh tế toàn cầu nhưng xuất khẩu tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế với mức tăng cao. Cụ thể 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu đạt 219,8 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng năm trước. Thặng dư thương mại tiếp tục duy trì với mức 7,63 tỷ USD, góp phần ổn định cán cân vãng lai, tỷ giá, và hỗ trợ kiểm soát lạm phát.

 

Trong 6 tháng qua, đã có 28 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng gia công, lắp ráp tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Điển hình như điện tử máy tính và linh kiện tăng 40%; hàng dệt may tăng 12,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 15,4%.

 

Khu vực đầu tư nước ngoài đóng vai trò lớn trong kim ngạch xuất khẩu, các tập đoàn lớn tăng cường hoạt động, thúc đẩy xuất khẩu. Trong khi Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP, RCEP…).

 

Đặc biệt, Chính phủ, các bộ ngành, doanh nghiệp tăng cường mở rộng thị trường, đàm phán kỹ thuật, cải thiện thủ tục xuất khẩu đã đóng góp cho tăng trưởng xuất khẩu.

 

Trong những tháng còn lại của năm, theo nhận định của Cục Thống kê, các hoạt động xuất khẩu về cơ bản thuận lợi khi mà trước mắt Việt Nam và Mỹ vừa đạt được thỏa thuận thuế quan. Đây là tín hiệu tích cực nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức như xung đột địa chính trị giữa các quốc gia ngày càng căng thẳng, bất ổn, khó lường ảnh hưởng đến thương mại đầu tư, chuỗi cung ứng và giá cả hàng hóa, qua đó sẽ ảnh hưởng gián tiếp tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của của Việt Nam.

 

Trong khi đó, suy giảm tăng trưởng toàn cầu vẫn tiếp tục có thể khiến cầu hàng hóa yếu; biến động tăng tỷ giá có thể gây áp lực cho chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu…

 

Trước thực tế trên, Cục Thống kê cho rằng, để tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, các hoạt động xuất khẩu cần ưu tiên tái cấu trúc chiến lược theo hướng chủ động, bền vững và thích ứng nhanh. Đây cũng cơ hội và giải pháp lâu dài để định hình kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ.

 

Trong đó, cần đảm bảo minh bạch chuỗi cung ứng và kiểm soát nguồn gốc xuất xứ. Một mặt, đẩy mạnh xúc tiến thương mại phục vụ nhập khẩu có chọn lọc đối với nguyên liệu đầu vào, linh kiện, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu. Mặt khác, hướng tới tăng tỷ lệ nội địa hóa và phát triển công nghiệp hỗ trợ vừa tạo điều kiện để doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI lớn vừa tạo lợi thế hơn trong chính sách thuế quan của các đối tác.

 

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới tiếp tục là giải pháp trọng tâm trong thời gian tới thông qua việc khai thác hiệu quả các FTA; khuyến khích doanh nghiệp phân tán chuỗi cung ứng, mở rộng thương mại điện tử xuyên biên giới.

 

Ngoài ra, tăng cường đối thoại và đàm phán song phương với Mỹ, EU, Trung Quốc... Đồng thời, phòng vệ thương mại và năng lực pháp lý doanh nghiệp, hướng dẫn doanh nghiệp làm việc với luật sư quốc tế, chuẩn bị hồ sơ phòng vệ thương mại; xây dựng cơ sở dữ liệu cảnh báo sớm các thị trường tiềm ẩn rủi ro.

 

Theo diendandoanhnghiep.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang