Thứ Bẩy, 23/11/2024 18:49:24 GMT+7
Lượt xem: 1797

Tin đăng lúc 21-02-2022

Tiếp nối, lan tỏa nếp sống thanh lịch của người Hà Nội

Ngôn ngữ, mà cụ thể là lời nói, giữ vai trò hết sức quan trọng trong văn hóa giao tiếp của người Việt Nam. Qua cung cách xưng hô, người ta có thể nhận biết thái độ, tình cảm của mỗi người. Với Hà Nội - mảnh đất ngàn năm văn hiến, xưng hô được nâng tầm thành văn hóa, trở thành một trong những tiêu chí để đánh giá trình độ văn hóa, nét thanh lịch của người Tràng An.
Tiếp nối, lan tỏa nếp sống thanh lịch của người Hà Nội
Lời ăn tiếng nói, cách xưng hô, chào hỏi trong giao tiếp của người Hà Nội luôn toát lên vẻ tinh tế, nền nã và tôn trọng theo nét riêng. Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

"Xưng khiêm, hô tôn”

 

Ai đã từng sống, trải nghiệm nhiều năm tháng ở Hà Nội hẳn đều có chung nhận xét: Văn hóa, cách xưng hô, chào hỏi và cách dụng ngôn trong giao tiếp của người Hà Nội luôn toát lên một vẻ tinh tế, khoáng đạt, nền nã, tự trọng và tôn trọng... rất riêng. 

 

Ông Lê Ngọc Cơ đã sống quá nửa đời người trong con ngõ bé tẹo ở 63 phố Thuốc Bắc kể rằng, ngày trước, trẻ em không được phép xen vào câu chuyện của người lớn. Khi có khách đến chơi nhà, trẻ em thường đi chỗ khác chơi, vì vậy, những gì còn đọng lại trong ký ức của ông chỉ là những cử chỉ, hành vi hay những câu chào hỏi xã giao mà ông quan sát, nghe được. Hình ảnh mà ông thường thấy khi khách tới nhà là bố mẹ ông ăn mặc nghiêm chỉnh, cử chỉ cung kính, đầu hơi cúi và nói: “Chào ông bà! Ông bà tới chơi!”. Khi khách đáp lễ, bố mẹ ông sẽ nói tiếp: “Dạ! Không dám! Mời ông bà vào nhà ạ!"...

 

Ông còn kể rằng, cách xưng hô trong gia đình ở Hà Nội cũng khá phong phú. Người thì gọi bố mẹ là cậu - mợ, người thì gọi là bố - mẹ, ba - mẹ, thầy - mẹ, cá biệt có người lại xưng “em” với bố mẹ... “Cuối những năm 1950, bố mẹ tôi mới ngoài ba mươi tuổi nhưng đi đâu người ta cũng gọi là ông bà. Nhiều người thường gọi mẹ tôi bằng tên của bố tôi. Những đứa trẻ con ngày ấy cũng thường được gọi là con ông nọ, bà kia chứ ít khi gọi đích danh tên đứa trẻ. Những gia đình có cửa hàng, thay vì gọi tên, người ta gọi bằng tên cửa hàng như chủ cửa hàng Vĩnh Ký thì sẽ được gọi là ông bà Vĩnh Ký...”.

 

Đấy là cách xưng hô của những thế hệ trước, thế hệ bị ảnh hưởng nhiều của Nho giáo và một phần văn hóa phương Tây. Theo quy định của thời ấy, tuổi tác, địa vị vẫn là yếu tố quan trọng nhất để chọn ngôi “xưng” và ngôi “hô”. “Xưng khiêm, hô tôn”, đó cũng là nguyên tắc ứng xử quan trọng trong mọi cuộc tiếp xúc, nếu không nắm được và tuân thủ sẽ bị coi là vụng về, thiếu tế nhị, thậm chí vô lễ.

 

Cũng theo lối suy nghĩ của thời xưa, cách xưng hô của người Việt được quy định rất phức tạp, khắt khe. Đầu tiên, ngôi để xưng hô sẽ được phân biệt theo giới tính, nam giới thì dùng “anh”, “chú”, “bác”, “ông”; nữ giới thì dùng “chị”, “cô”, “bác”, “bà”. Tiếp đến, người ta sẽ ước lượng độ tuổi để phân biệt vai vế trong xưng hô, với người nhỏ tuổi hơn thì “em”, “cháu”; với người lớn tuổi hơn thì “anh”, “chị”, “cô”, “chú”, “bác”, “ông”, “bà”...

 

Mặt khác, trong tiếng Việt, các từ xưng hô mang sắc thái biểu cảm rất rõ như kính trọng, thân mật, suồng sã, khinh thường... Trong ngữ cảnh nhất định, kết hợp với ngữ điệu, người ta có thể xác định được ngữ nghĩa của các từ xưng hô, thông qua xưng hô, có thể truyền tới người nghe cảm xúc vui, buồn, yêu, ghét... Việc lựa chọn từ ngữ để xưng hô sao cho phù hợp với các vai giao tiếp trên nguyên tắc “xưng khiêm, hô tôn”, kính trọng, lễ phép, lịch sự với người đồng thoại, khiêm nhường, nhã nhặn đối với bản thân... là nét văn hóa mang đậm màu sắc của người Việt.

 

Muôn no “xưng và hô”

 

Trải qua bao thăng trầm, cách xưng hô của người Hà Nội cũng có nhiều thay đổi. Cái hay cũng nhiều mà cái chưa hay cũng lắm, dẫn tới muôn điều biến đổi trong cách xưng hô. Ở Hà Nội hiện nay, tại các trường mầm non, tiểu học rồi trung học cơ sở, phổ thông trung học đang phổ biến lối xưng “con” với thầy cô giáo. Đây là cách xưng hô thể hiện lòng kính trọng, biết ơn với những người làm công việc truyền thụ tri thức, bảo toàn được truyền thống “xưng khiêm, hô tôn”, một biểu hiện của lễ giáo... Bên cạnh đó, cái tôi cá nhân của hai chủ thể giao tiếp đã được đặt ngang bằng nhiều hơn so với trước đây, nên đại từ “tôi” được dùng nhiều hơn trong giao tiếp hiện đại.

 

Tuy nhiên, bên cạnh việc tiếp thu nét đẹp truyền thống, lại xuất hiện những "biến thể lạ" trong lối xưng hô, đặc biệt là ở giới trẻ. Ở đó, các ngôi xưng hô "cha, mẹ, chồng, vợ, con..." không còn mang ý nghĩa ban đầu nữa. Tôi vẫn còn nhớ có lần ngồi uống cà phê chờ đón con nhỏ tan học, vô tình nghe được cuộc hội thoại của một nhóm bạn trẻ thế này: “Hôm nay mẹ gọi điện thoại cho con muộn thế. May mà hôm nay con rảnh đấy...”. Một cô gái tuổi đôi mươi nói ráo hoảnh với 2 bạn nam nữ thanh niên đang ngồi cùng. Cô gái được cho là “mẹ” cười tươi, đưa tay ôm cậu bạn trai ngồi cạnh nũng nịu: “Tại chồng của mẹ đây này. Hôm qua mẹ đã bảo phải mời cả gia đình mình đi ăn một bữa cho vui, nhưng bố con cứ mải chơi điện tử”...

 

Rồi có trường hợp, tại một trường đại học lớn ở Thủ đô, một giảng viên cao tuổi giữ “thói quen” xưng hô “mày, tao” với học trò bởi "gần chục năm học tập và nghiên cứu ở nước ngoài nên đã quen với lối xưng hô chỉ có hai đại từ nhân xưng như vậy". Hay ở cơ quan nghiên cứu khoa học nọ, có một vị “sếp” rất thích xưng “bố” và gọi nhân viên là “con”...

 

Đặc biệt, lối xưng hô "mày", "tao", "thằng nọ", "con kia" trước đây chỉ xảy ra ở những gia đình thiếu nền nếp, ít giáo dục thì nay đã xuất hiện tại không ít gia đình "được ăn học tử tế", trong giao tiếp giữa ông bà, cha mẹ, con cái. Tại nhiều trường học, vẫn còn hiện tượng không ít bạn trẻ trong lớp thì "thưa thầy", "thưa cô", "bạn A", "bạn B", nhưng ra khỏi cổng trường lập tức trở thành "ông nọ, bà kia", "thằng nọ, con kia"...

 

 

Văn hóa xưng hô được nâng tầm thành một trong những tiêu chí để đánh giá trình độ văn hóa, nét thanh lịch của người Tràng An.

 

PGS.TS Trịnh Cẩm Lan, Trưởng khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: “Trong văn hóa xưng hô hiện tại, văn hóa gia đình, làng xã, tính thứ bậc, tôn ti trật tự trong xưng hô có xu hướng giảm, thay vào đó là sự gia tăng của những yếu tố xưng hô trung tính, như đại từ “tôi” trong giao tiếp xã hội chẳng hạn. Nguyên nhân là trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa, sự tiếp cận với thế giới bên ngoài khiến cho ảnh hưởng của văn hóa gia đình, làng xã bị thu hẹp. Quan hệ thân/sơ, trên/dưới vốn có tính chi phối rất mạnh trong văn hóa xưng hô của người Việt, nay không còn được chú ý nhiều như trước nữa. Văn hóa xưng hô có xu hướng khách quan, lý tính, trọng cá nhân hơn. Ngay cả cách xưng hô có phần đa tạp của lớp trẻ hiện nay cũng thể hiện rõ xu hướng này”.

 

“Li nói chng mt tin mua...

 

Từ xa xưa, ông bà ta đã dạy “Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Chính vì thế, từ rất sớm, xây dựng nếp sống văn minh, con người văn hóa đã được Thành phố Hà Nội rất chú trọng. Nhiều chương trình, hoạt động có ý nghĩa nhằm khơi gợi tình yêu văn hóa truyền thống và gìn giữ những nét đẹp trong văn hóa giao tiếp, xưng hô của người Hà Nội đã được triển khai, những nét đẹp văn hóa trong giao tiếp, xưng hô được ghi rõ trong những quy tắc ứng xử tại trường học, công sở, bệnh viện...

 

Đặc biệt, trong Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”, Thành phố Hà Nội khẳng định tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong việc thực hiện hai quy tắc ứng xử, trong đó, các quy định trong giao tiếp, xưng hô nơi công cộng và nơi làm việc được đề cao nhằm tiếp nối những nét đẹp trong văn hóa xưng hô của người Hà Nội trước đây, đồng thời xây dựng văn hóa xưng hô trong gia đình và xã hội phù hợp với một Hà Nội đang trên đà phát triển.

 

PGS.TS Trịnh Cẩm Lan cũng khẳng định: “Văn hóa xưng hô tồn tại đến ngày hôm nay, đã trải qua nhiều biến đổi. Mọi thứ đều có tính hai mặt và văn hóa xưng hô cũng vậy. Với cách xưng hô truyền thống, mặt tích cực là nó có thể làm cho những "người dưng" xích lại gần nhau, nhưng nó cũng có thể đưa đến một “không khí gia tộc” ở những môi trường không cần đến bầu không khí này - điều dễ dẫn tới thái độ bề trên của người này và thái độ khúm núm của người khác khi xử lý việc công. Trái lại, nếu đề cao quá cái “tôi” sẽ làm cho không khí giao tiếp thiếu đi sự hòa nhã, đúng mực. Người Hà Nội với tiếng thơm là thanh lịch, mực thước lại càng phải chú trọng sự linh hoạt trong cách xưng hô để chọn lọc, phát huy và phát triển nét đẹp truyền thống, gạt bỏ những cái chưa hay để làm phong phú thêm văn hóa xưng hô trên mảnh đất kinh kỳ”.

 

Theo Hà Nội mới


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang