Vai trò ngày càng tăng của công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, Chính phủ đã có những đánh giá xác đáng về vai trò ngày càng tăng trong tăng trưởng của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) và các ngành chế biến, chế tạo. Sự tăng trưởng tới 14,5% của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong những năm qua được coi là động lực và trụ cột chính cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, cũng như thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp của Việt Nam.
Tuy vậy, vẫn còn tồn tại rất nhiều những yếu tố chưa bền vững. Hiện cả nước có khoảng hơn 1.800 doanh nghiệp CNHT và trong số đó chỉ có 0,32% tham gia trong công nghiệp chế biến chế tạo. Với đặc thù của các doanh nghiệp (DN) là hạn chế về năng lực, trình độ công nghệ, về quy mô, đặc biệt là chỉ nhỏ, siêu nhỏ và vừa thì khả năng tiếp cận của DN CNHT trong thị trường CNHT cả ở trong và ngoài nước đều còn rất hạn chế.
Chế biến rau quả phục vụ xuất khẩu
Bên cạnh đó, các thể chế và chính sách của chúng ta chậm đáp ứng được yêu cầu trong việc hỗ trợ DN tiếp cận chuỗi sản phẩm của CNHT để tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, việc cạnh tranh đang ngày càng gay gắt trong môi trường hội nhập sâu rộng với thế giới cũng đang gây ra áp lực rất lớn.
Trước những vấn đề như vậy, thời gian tới cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy phát triển theo đúng định hướng, đó là tiếp tục thực hiện ba đột phá như các nghị quyết của Trung ương để tạo điều kiện cho cộng đồng DN và đặc biệt là DN nhỏ và vừa, DN CNHT tiếp cận với thị trường, bằng những giải pháp trong hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, cần khai thác những cơ hội trong quá trình hội nhập để tạo điều kiện cho DN tiếp cận với công nghệ và thị trường thế giới, tham gia vào các chuỗi cung ứng, trong đó có các vai trò của DN vốn đầu tư nước ngoài FDI và các DN đầu đàn tại các chuỗi cung ứng thế giới cũng như tại Việt Nam. Đồng thời, có những chính sách, biện pháp cụ thể để các DN Việt Nam tham gia vào các cơ chế thí điểm trong một số thị trường, với một số sản phẩm CNHT như năng lượng, cơ khí chế tạo; triển khai các chương trình hợp tác với DN FDI…; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc nâng cao chất lượng nhân lực, tạo nguồn lực cơ bản thúc đẩy CNHT phát triển…
Xuất khẩu có chuyển dịch tích cực theo đúng định hướng
Cũng tại phiên thảo luận, nói về vấn đề liên quan đến hoạt động xuất khẩu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian qua, xuất khẩu đã phát triển theo đúng định hướng chiến lược phát triển bền vững; giảm xuất khẩu sản phẩm thô; các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như các sản phẩm ngành nông sản, thủy sản, những ngành kinh tế trọng điểm đã được cải thiện, nâng cao.
Sản xuất ô tô rất cần công nghiệp hỗ trợ
Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia, cũng có tới 9 nhóm ngành hàng lớn của ngành nông nghiệp khẳng định vị thế trên thế giới với kim ngạch nhiều tỷ USD. Riêng các sản phẩm có kim ngạch trên 1 tỷ USD đã đạt tới 28 ngành hàng và trên 5 tỷ USD thì có tới 8 ngành hàng. Điều này cho thấy chiến lược hội nhập và tham gia hội nhập quốc tế của chúng ta rất đúng hướng và kịp thời, đặc biệt là với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với hàng loạt các đối tác thương mại song phương và đa phương.
Cùng với đó, chất lượng và giá trị gia tăng trong lĩnh vực xuất khẩu đang ngày càng được cải thiện đi cùng với sự phát triển về thương hiệu của Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận những hạn chế, tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới như: Chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo được sự đồng nhất và ổn định, gây trở ngại lớn trong việc xây dựng thương hiệu và phát triển theo chuỗi; xuất khẩu chưa bền vững, phụ thuộc một số thị trường trọng yếu, một số thị trường tăng trưởng nóng; khó khăn trong vấn đề tháo dỡ các rào cản quan thuế, hàng rào kỹ thuật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; vấn đề gắn kết giữa sản xuất với thị trường, tổ chức theo chuỗi giá trị...
Liên quan đến câu chuyện giải cứu và tín hiệu thị trường, Bộ trưởng cũng thừa nhận thực tế yếu kém trong sự phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước và các bộ ngành trong việc nghiên cứu theo dõi tín hiệu thị trường và dự báo thị trường, nắm bắt nhu cầu. Vì vậy, ông cho rằng cần nhiều hơn nữa sự nỗ lực của các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT để khắc phục tốt hơn vấn đề này./.
Quỳnh Anh (tổng hợp)