Nâng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam
Tại lễ phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Chính phủ sẽ làm hết sức mình để các doanh nghiệp Việt Nam có thể lớn mạnh trên sân nhà, vươn ra thế giới và thành công”.
Cụ thể hóa vấn đề này, Nghị quyết 19 đưa ra mục tiêu đến hết năm 2017, đạt tối thiểu bằng trung bình của các nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, cụ thể là khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 70 nước đứng đầu; Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số thuộc nhóm 80 nước; Nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng thuộc nhóm 30 nước. Riêng chỉ tiêu tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn vay phấn đấu đến năm 2020 thuộc nhóm 40 nước đứng đầu.
Rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, gồm: Nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 168h/năm (trong đó thuế là 119 giờ và bảo hiểm là 49 giờ); cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 120 ngày, bao gồm: Thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật, cấp phép xây dựng xuống còn 63 ngày (giảm 19 ngày)…
Đến năm 2020 đạt điểm số trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên các nhóm chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh (theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới); các chỉ số đổi mới sáng tạo (theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO) đạt trung bình ASEAN 5.
Phấn đấu đến hết năm 2017, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến nhiều người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3; cho phép sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hồ sơ và trả kết quả trực tuyến hoặc gửi qua mạng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).
Các bộ ngành đồng loạt vào cuộc hành động vì doanh nghiệp
Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả cải thiện các chỉ số theo phân công và tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP, hoàn thành trước ngày 28.2.2017, trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và tiến độ thực hiện đối với từng nhiệm vụ gắn với từng chỉ số được phân công.
Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, giám sát đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cải thiện thứ hạng và điểm số của các chỉ số khởi sự kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư; theo dõi, đánh giá về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xây dựng nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định nhằm giải quyết các vướng mắc về đầu tư, kinh doanh, tạo sự liên thông giữa các thủ tục đầu tư với các thủ tục về đất đai, xây dựng, đấu thầu, môi trường.
Bộ Tài chính ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đảm bảo kết nối thông tin thống nhất giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành với Tổng cục Hải quan và cổng thông tin một cửa quốc gia.
Bộ Công thương rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo hướng bỏ một số dịch vụ ngân hàng...
Nguồn Laodong.com.vn