Thứ Sáu, 22/11/2024 06:47:41 GMT+7
Lượt xem: 2991

Tin đăng lúc 14-12-2019

Tiết kiệm năng lượng: Lợi ích kép cho các doanh nghiệp công nghiệp

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt thì sự chủ động của các doanh nghiệp (DN) trong việc áp dụng các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh là hết sức cần thiết.
Tiết kiệm năng lượng: Lợi ích kép cho các doanh nghiệp công nghiệp

Đặc biệt, đối với các DN công nghiệp, việc áp dụng các biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm giảm tổn thất, giảm mức tiêu thụ năng lượng trong quá trình sản xuất sẽ tạo ra lợi ích kép khi vừa giảm được chi phí, tăng được sức cạnh tranh cho sản phẩm, đồng thời, góp phần giúp DN phát triển bền vững.

 

Sử dụng năng lượng chưa hiệu quả

 

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp chiếm tới 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, tiềm năng tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong công nghiệp của VN có thể lên đến 25-40%, như vậy có thể thấy rằng, ngành công nghiệp đang sử dụng năng lượng chưa hiệu quả, vẫn còn nhiều lãng phí.

 

Ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ TKNL và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, tiềm năng TKNL của các DN trong lĩnh vực công nghiệp còn rất lớn. Bởi theo kết quả kiểm toán năng lượng đối với 10 DN được lựa chọn trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, có 108 giải pháp TKNL đã được đề xuất. Nếu thực hiện được các giải pháp này, các DN có tiềm năng tiết kiệm chi phí khoảng 78 nghìn USD/năm, với mức đầu tư dự kiến gần 200 nghìn USD, thời gian hoàn vốn 2,6 năm, cắt giảm 606 nghìn tấn CO2/năm.

 

Đơn cử, tại Tổng Công ty Việt Thắng– CTCP (thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam), nếu thực hiện được các giải pháp TKNL như Cơ quan năng lượng Hàn Quốc cùng Vụ TKNL và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương đề xuất sẽ giúp Công ty tiết kiệm được trên 16 tỷ đồng mỗi năm. Hay tại Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại có thể tiết kiệm gần 1,91 triệu USD mỗi năm…

 

Vậy đâu là nguyên nhân?

 

Việc sử dụng năng lượng không hiệu quả có nhiều nguyên nhân như: Công nghệ lạc hậu; Các thiết bị sản xuất cũ kỹ và chậm đổi mới; Tỷ lệ hao hụt quá nhiều trong khâu truyển tải; Công tác quản lý việc sử dụng năng lượng trong DN chưa được chú ý đúng mức và một điều rất quan trọng là sự thiếu hiểu biết, chưa có ý thức TKNL ở mỗi cơquan, tổ chức, cá nhân trong xã hội.

 

Theo các chuyên gia, hiện nay, khó khăn của các DN khi triển khai các giải pháp TKNL đó là không có cơ sở dữ liệu về năng lượng để phân tích. Các DN cũng chưa được tiếp cận thực tế với các mô hình đã triển khai thành công trong lĩnh vực này và quan trọng là khó khăn vềtài chính. Chính vì vậy, điều mà các DN mong muốn hiện nay đó là, được hỗ trợ kỹ thuật nhiều hơn, liên tục hơn về công tác kiểm toán năng lượng; Được tập huấn và tiếp cận nhiều hơn với các mô hình, các giải pháp đã được đúc kết thành công; Có thể tiếp cận nhanh hơn với các thiết bị công nghệ mới; Đồng thời, có thể tiếp cận sớm với các nguồn vốn hỗ trợ để thực hiện đầu tư các dự án TKNL.

 

 

Sử dụng hệ thống dây chuyền, thiết bị hiện đại giúp các DN may mặc TKNL, giảm chi phí sản xuất

 

Giải pháp hỗ trợ các DN trong thời gian tới

 

Tại Hội thảo “Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững” diễn ra vào tháng 8 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, đổi mới, nâng cấp cải tiến và sắp xếp lại dây chuyền sản xuất là ba yếu tố quan trọng để thực hiện TKNL trong các DN. Nếu làm tốt nó sẽ giúp DN giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra các giải pháp, hành động cụ thể nhằm hỗ trợ các DN đầu tư giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng: Thay đổi dây chuyền, công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ tiên tiến hiệu suất cao TKNL; Xây dựng quy chuẩn và tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với các thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng, hiệu suất thấp.

 

Còn ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Sở KH&CN TP.HCM) cho rằng, các DN cần ưu tiên quỹ thời gian và nhân lực để thực hiện kiểm toán năng lượng. Bên cạnh đó, các DN trong cùng lĩnh vực như xi măng, may mặc… nên liên kết, thành lập các nhóm quản lý năng lượng, qua đó sẽ giúp các DN được trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng thực hiện TKNL, cũng như tăng cường các giải pháp TKNL, giảm được thời gian thử nghiệm và hạn chế được sai sót. Với những DN hạn chế về vốn thì có thể tìm đến sự giúp đỡ của các DN chuyên cung cấp các giải pháp năng lượng toàn diện (ESCO).

 

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ TKNL và Phát triển bền vững cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã từng bước xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về quy định lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về cơ chế cho các DN đầu tư vào lĩnh vực TKNL hoặc áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến. Cùng với đó, hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn quỹ, nguồn tài chính để biến tiềm năng TKNL trở thành các giải pháp đầu tư cụ thể.

 

Tháng 3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 280 phê duyệt chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Với 9 giải pháp tổng thể để thúc đẩy TKNL trong các ngành và lĩnh vực từ nay đến năm 2030, đặc biệt là việc cho phép thí điểm thành lập Quỹ thúc đẩy TKNL, Chương trình được kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu tiết kiệm được từ 5-7% tổng năng lượng tiêu thụ trong giai đoạn 2019-2025 và tiết kiệm được từ 8-10% tổng năng lượng tiêu thụ cho giai đoạn từ 2019-2030, ông Vũ cho biết thêm.

 

Rõ ràng những giải pháp, dự án TKNL có tác dụng rất lớn đối với các DN, nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, bởi nó giúp DN có thể giảm thiểu được chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận và đặc biệt là bảo vệ môi trường. Vì vậy, để DN phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường thì cả DN và Nhà nước cùng phải bắt tay nhau đẩy mạnh hoạt động TKNLvà điều này cũng góp phần đưa kinh tế đất nước phát triển ngày càng bền vững hơn.

 

Quỳnh Anh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang