Để góp phần cho thế giới, trái đất trở lại “xanh tươi” hơn, các chuyên gia, nhà nghiên cứu nhiều ngành khoa học, đặc biệt là môi trường khuyên chúng ta: Hãy tiết kiệm và ý thức hơn trong việc sử dụng mọi nguồn năng lượng. Trong đó, tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong các tòa nhà góp phần mang lại lợi ích rất to lớn…
Theo các chuyên gia, những năm gần đây, tỷ lệ sử dụng năng lượng trong các tòa nhà cao tầng ở Việt Nam là rất cao, chiếm khoảng 35-40% tổng năng lượng tiêu dùng cả nước. Bởi vậy, TKNL trong các tòa nhà sẽ mang lại lợi ích rất to lớn về kinh tế, chính trị và cải thiện đời sống xã hội như: Tiết giảm rất nhiều các khoản chi phí cho cư dân; các khoản tiêu hao mọi mặt cho các nhà đầu tư, cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói riêng và ngành Năng lượng nói chung; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như nâng cao giá trị đời sống tinh thần cho cư dân, xã hội,…
Cụ thể, qua thực tế, các nhà nghiên cứu cho biết, một cao ốc, tòa nhà nếu được thiết kế khoa học, hợp lý thì không chỉ tiết kiệm được 30% điện năng tiêu thụ, 30-50% lượng nước sử dụng của tòa nhà mà còn giảm được 35% khí thải CO2 và giảm được 50-90% các loại rác thải khác. Đặc biệt, để bảo tồn hệ sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, các tòa nhà thông minh còn góp phần đảm bảo nhiệt độ trung bình của trái đất tăng dưới 2 độ C vào năm 2100. Bởi vậy, trong tiến trình xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện nay, việc xây dựng các cao ốc xanh ở Việt Nam rất thuận lợi nhờ có nguồn tài nguyên sẵn có như gió, mặt trời - những nguồn năng lượng tái tạo dồi dào có thể tận dụng để phát triển các dự án tòa nhà xanh. Có thể nói, các cao ốc xanh thân thiện với môi trường không chỉ tốt cho người sử dụng mà còn là một lợi thế cạnh tranh cho các nhà đầu tư bất động sản. Bởi một trong những tiêu chuẩn được khách hàng ưu tiên lựa chọn mỗi khi mua hay thuê một căn hộ chính là yếu tố ánh sáng, chất lượng không khí tốt hơn và TKNL.
Tuy nhiên, trên thực tế, có khoảng 80%-90% các công trình xây dựng tại Việt Nam không tích hợp tính hiệu quả sử dụng năng lượng vào các khâu thiết kế cơ bản và vận hành công trình. Cụ thể, nhiều tòa nhà chưa quan tâm đến giải pháp đầu tư công nghệ trong hệ thống chiếu sáng, thông gió, làm mát, sưởi ấm và sử dụng vật liệu cách nhiệt TKNL, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Đây là một sự lãng phí rất lớn, đặc biệt khi Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng xây dựng cao, với tổng diện tích sàn của các công trình thương mại và nhà ở cao tầng tăng trưởng với tốc độ 6-7% mỗi năm.
Một tòa nhà sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) phải dựa trên 3 yếu tố đồng bộ: Thiết kế, công nghệ và quản trị năng lượng. Trong khi phần lớn các tòa nhà tại Việt Nam hiện nay, cả 3 yếu tố đó vẫn còn hạn chế. Điều này tạo nên áp lực về chi phí năng lượng ngày càng tăng. Do đó, việc quản lý năng lượng là giải pháp sống còn đối với các dự án đầu tư, đặc biệt là trong các tòa nhà. Trước vấn đề này, nhiều chủ đầu tư các dự án, công trình đã tìm đến nhiều giải pháp. Trong đó, việc triển khai hệ thống quản lý năng lượng (ISO 50001) được xem là một trong những giải pháp TKNL tối ưu hiện nay, giúp mang lại các lợi ích thiết thực cho DN như: Quản lý chi phí năng lượng một cách có hệ thống, hợp lý hóa sản xuất, giảm chi phí vận hành và bảo trì, tăng nhận thức và nâng cao kiến thức của nhân viên về việc SDNLTK&HQ …
Những tòa nhà xanh, thông minh, thân thiện môi trường, TKNL là xu hướng phát triển hiện nay
Góp phần đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề nêu trên, TS.KTS Lê Thị Bích Thuận - Phó Tổng thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng đã chia sẻ 2 giải pháp thiết kế để SDNLTK&HQ cho công trình, nhà cao tầng thiếu 3 yếu tố đồng bộ như: Giải pháp kết cấu tích hợp cho tường bao; Giải pháp trồng cây trên mái nhà để TKNL, điều hòa nhiệt độ, cải thiện chất lượng không khí, chống ồn...
Đặc biệt, cùng với các giải pháp đã nêu, các chuyên gia còn giúp các tòa nhà TKNL bằng các giải pháp về thiết bị và công nghệ. Về thiết bị, các tòa nhà có thể áp dụng: Hệ thống quản lý thông minh tòa nhà (BMS) tiết kiệm 12% lượng điện tiêu thụ; Máy bơm nước cao tiết kiệm hơn 5% điện năng so với máy bơm tiêu chuẩn thông thường. Bộ biến tần điều khiển hiệu suất bơm và vận hành hệ thống thông gió tiết kiệm 20-30% điện năng;… Về công nghệ, các tòa nhà có thể lắp cửa sổ tòa nhà bằng kính năng lượng thấp (Low - e glass) để giảm truyền nhiệt từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong tòa nhà, hoặc kính khống chế ánh nắng phản xạ hầu hết bức xạ mặt trời. Loại kính này giúp tiết kiệm được 5% năng lượng; Sử dụng phim cách ly (insulation film) khống chế cho ánh nắng đi qua nhưng phản xạ lại các tia cực tím (UV), ánh sáng chói và hơi nóng. Thay đổi các mức cách nhiệt giúp cho việc sử dụng năng lượng được khống chế trong bất kỳ khí hậu nào;…
Có thể nói, nếu thực hiện tốt các giải pháp đã nêu thì việc TKNL trong các tòa nhà cả nước sẽ góp phần không nhỏ để Việt Nam đạt được những mục tiêu theo Nghị quyết 55-NQ/TW về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Hà Đăng