Đây là chủ đề được Bộ Công Thương lựa chọn cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022. Một trong những điểm nhấn đó là việc ban hành bộ tài liệu “Hướng dẫn tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp cùng với sự leo thang của các mối nguy cơ tiềm tàng đã thúc đẩy sự phát triển của xu hướng kinh doanh – tiêu dùng mới, phù hợp với bối cảnh bình thường mới. Thương mại điện tử phát triển làm thay đổi phương thức mua sắm của người tiêu dùng, các hành vi tiêu dùng trực tuyến được ưu tiên sử dụng nhiều hơn. Người tiêu dùng có xu hướng quan tâm và dành sự ưu tiên cho các hàng hoá hướng tới bảo vệ sức khoẻ, thân thiện môi trường, hoặc do các đơn vị sản xuất, phân phối uy tín cung cấp.
Việc ban hành bộ tài liệu “Hướng dẫn tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới” nhằm góp phần lan toả thông điệp, hướng dẫn người tiêu dùng một số cách thức để có thể tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới. Với 3 nội dung trọng tâm gồm: An toàn lựa chọn, An toàn thanh toán và An toàn sử dụng (thông điệp 3A), bộ tài liệu sẽ là cuốn sổ tay hữu ích cho người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay. Cụ thể:
- Người tiêu dùng cần tìm hiểu các quyền lợi của mình theo quy định pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, cụ thể: Quyền được thông tin; Quyền được lựa chọn; Quyền được tư vấn.
- Người tiêu dùng cần kiểm tra, tìm hiểu các thông tin có liên quan đến doanh nghiệp và hàng hoá, dịch vụ muốn mua và lựa chọn cẩn thận, kỹ lưỡng hàng hoá, dịch vụ.
- Đối với phương thức mua bán và thanh toán truyền thống: Người tiêu dùng cần chủ động bảo mật, bảo vệ thông tin của mình; Chỉ cung cấp cho bên bán những thông tin cần thiết liên quan đến giao dịch; Cần chú ý đến các điều khoản, chi phí liên quan, chính sách trả hàng và hoàn tiền của doanh nghiệp; Cẩn trọng khi thanh toán số tiền quá lớn trước khi nhận hàng; Kiểm tra kỹ hàng hoá khi nhận, nếu có vấn đề cần phản ánh ngay với bên bán để đổi/trả hàng hoá; Lưu lại toàn bộ hoá đơn, chứng từ liên quan đến giao dịch để làm bằng chứng (nếu cần); Tuân thủ nguyên tắc 5K để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
- Đối với phương thức mua bán và thanh toán trực tuyến: Tìm hiểu và đọc kỹ các điều kiện, điều khoản của website/ứng dụng di động trước khi đồng ý giao dịch và thanh toán. Kiểm tra kỹ các thông tin thanh toán như nội dung thanh toán, tổng số tiền cần thanh toán trước khi quyết định thanh toán. Chủ động bảo mật thông tin của mình trong quá trình thanh toán. Tự mình sử dụng thẻ và tài khoản thanh toán, không đưa thẻ thanh toán của mình cho bất kỳ ai, không tiết lộ số PIN, số thẻ cho bất kỳ ai kể cả nhân viên thu ngân của bên bán. Chỉ giao dịch trực tuyến trên các nền tảng, ứng dụng di động, website uy tín, các địa chỉ mua hàng tin cậy, có độ bảo mật cao. Tự mình gõ đường link đầy đủ trên thanh địa chỉ trên trình duyệt internet và không lựa chọn các đường link có sẵn (có thể là giả mạo). Giữ lại các hóa đơn thanh toán thẻ, chứng từ có liên quan để đối chiếu với các giao dịch trên sao kê tài khoản thẻ và thực tế hàng hóa, dịch vụ nhận được cũng như để làm bằng chứng nếu xảy ra tranh chấp. Thực hiện các lưu ý khác theo đúng hướng dẫn sử dụng thẻ, tài khoản thanh toán của đơn vị phát hành thẻ, tài khoản thanh toán. Kiểm tra kỹ hàng hóa trước khi nhận. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo an toàn, chất lượng cần phản ánh ngay tới bên bán để được giải quyết. Tuân thủ nguyên tắc 5K để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng trong quá trình giao dịch.
- Người tiêu dùng cần tìm hiểu các quyền lợi tương ứng của mình theo quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể: Quyềnđược yêu cầu bồi thường; Quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện.
- Cần chủ động thực hiện các việc sau để bảo vệ an toàn sức khỏe và quyền lợi chính đáng của mình, cụ thể: Cần tự chủ động lưu lại tất cả các thông tin, tài liệu liên quan đến giao dịch như hoá đơn, phiếu/mã xác nhận bảo hành, hợp đồng... Nếu có bất kỳ vấn đề gì sai sót, đừng ngần ngại liên hệ với bên bán để yêu cầu khắc phục và/hoặc bồi thường thỏa đáng. Đọc kỹ trước khi sử dụng hàng hóa để đảm bảo sử dụng sản phẩm một cách an toàn, hợp lý, hiệu quả.
- Người tiêu dùng cần chia sẻ thông tin tiêu dùng để góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng an toàn, lành mạnh.
- Trường hợp xảy ra tranh chấp, cần sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp theo quy định pháp luật, trong đó: Ưu tiên giải quyết vấn đề tranh chấp với bên bán trước khi sử dụng các phương thức khác, bởi đây là phương thức giải quyết nhanh gọn, ít tốn kém nhất. Có thể gửi phản ánh, khiếu nại tới bên bán theo các cách thức có thể lưu vết, trong đó cần lưu ý xác định thời điểm gửi khiếu nại để bảo vệ quyền lợi, đặc biệt trong các trường hợp có giới hạn thời hạn gửi khiếu nại (căn cứ theo thỏa thuận với bên bán hoặc đặc thù quy định pháp luật từng lĩnh vực). Trường hợp không thương lượng được với bên bán, cần liên hệ với cơ quan, tổ chức để được hỗ trợ tư vấn, giải quyết sau:
+ Phản ánh tới Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
+ Phản ánh tới Sở Công Thương địa phương
- Phản ánh tới tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838
- Phản ánh tới các cơ quan, đơn vị quản lý chuyên ngành liên quan đến loại hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua của doanh nghiệp.
Quỳnh Anh (t/h)