Khó nhưng vẫn tăng
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, 2 tháng đầu năm, lượng thép tiêu thụ của các doanh nghiệp (DN) thành viên đạt 645.204 tấn, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2014. Để đạt con số trên là điều hết sức khó khăn đối với các DN sản xuất thép trong nước do phải cạnh tranh với thép nhập khẩu ngày một tăng cao. Tính riêng tháng 1/2015, tổng các sản phẩm và bán thành phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam đạt 1.294.698 tấn, tăng 74% về sản lượng và 58,6% về giá trị nhập khẩu. Vì vậy, 2 tháng đầu năm, ngành thép vẫn giữ vững vị thế tăng trưởng 7,4% - đây là “điểm sáng” đáng ghi nhận.
Đánh giá của các chuyên gia ngành thép, vài năm gần đây, sức tiêu thụ của ngành luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nhưng, với sự cố gắng của các DN qua việc tiết giảm tối đa chi phí sản xuất, cho ra sản phẩm thép có giá bán cạnh tranh, nâng cao ý thức, mở rộng thị trường xuất khẩu…, nhờ đó, tiêu thụ thép vẫn giữ đà tăng trưởng ổn định.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - mặc dù ngành thép gặp nhiều khó khăn nhưng cơ bản vẫn giữ được mức tiêu thụ ổn định nhờ Chính phủ ban hành một loạt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, nhất là sự hỗ trợ tích cực cho thị trường bất động sản, đã “hâm nóng” thị trường vật liệu xây dựng. Đây là cơ hội giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thép.
Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam: Việc Chính phủ ban hành một loạt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, trong đó có sự hỗ trợ tích cực cho thị trường bất động sản, đã “hâm nóng” thị trường vật liệu xây dựng. Đây là cơ hội giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thép. |
Phải có đầu tư khi hội nhập
Trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng, Việt Nam sẽ tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) quan trọng với Liên minh châu Âu (EFTA), Liên minh Hải quan Nga - Belarus-Kazakhstan (VCUFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN... Bên cạnh thuận lợi do có nhiều hỗ trợ từ chính sách của nhà nước, nỗ lực tự thân nhưng ngành thép cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức: thị trường trong nước cung vượt cầu, ngoài nước phải luôn cảnh giác với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, đặc biệt phải đối mặt với các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài lớn mạnh...
Để giải bài toán khó cho ngành thép, ông Sưa cho rằng, các DN cần đầu tư công nghệ hiện đại để tiêu hao ít năng lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm và chú trọng mở rộng thị trường. Việc đẩy mạnh học tập, nghiên cứu thị trường và ứng phó với các vụ kiện chống bán phá giá diễn ra ngày một nhiều cũng là một trong những yếu tố cần thiết trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thép nhập khẩu, đặc biệt là hậu kiểm, tránh tình trạng một số DN lợi dụng khe hở trong việc quy định tiêu chuẩn thép hợp kim cũng như các chính sách ưu đãi về thuế để nhập khẩu bán với giá rẻ cạnh tranh, gây thất thu thuế cho nhà nước, khiến sản phẩm thép không cạnh tranh được về giá bán.
Nguồn: Báo Công Thương điện tử