Riêng trong tháng 8, ước tính sản phẩm xi măng tiêu thụ khoảng 6,08 triệu tấn, tăng 4% so với tháng 8/2016. Trong đó, tiêu thụ nội địa đạt khoảng 4,58 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ.
Đưa lũy kế tiêu thụ sản phẩm này từ đầu năm đến nay tại thị trường nội địa ước đạt khoảng 39,17 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2016.
Như vậy, mức tiêu thụ sản phẩm xi măng tại thị trường nội địa vẫn tăng, nhưng mức tăng này rất chậm. Nguyên nhân của việc tình trạng này được đánh giá do ảnh hưởng của giá cát tăng đột biến từ 50-200% làm nhiều công trình xây dựng bị giảm, hoãn tiến độ. Cùng với đó, mùa mưa năm nay lượng mưa nhiều cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các công trình xây dựng.
Bên cạnh đó, với giá xuất khẩu ngày càng xuống thấp, cùng sự cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, Ngành xi măng Việt Nam đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”, phải đối nhiều khó khăn và thách thức.
Cụ thể, sản lượng xuất khẩu sản phẩm xi măng trong tháng 8 đạt khoảng 1,5 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2016. Con số này trong 8 tháng năm 2017 ước đạt khoảng 12,64 triệu tấn.
Như vậy, để hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2017 tiêu thụ từ 70-80 triệu tấn sản phẩm xi măng (tiêu thụ nội địa từ 64-65 triệu tấn, xuất khẩu từ 14-15 triệu tấn) trong những tháng còn lại của năm 2017 đòi hỏi những nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp thuộc ngành xi măng.
Với 12,64 triệu tấn sản phẩm xi măng được xuất khẩu trong 8 tháng thì sản lượng xuất khẩu từ 14-15 triệu tấn sản phẩm xi măng trong năm 2017 có thể cán đích kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, tại thị trường nội địa, sản lượng tiêu thụ đến thời điểm này mới chỉ đạt trên 60% kế hoạch, còn khá khiêm tốn. Do đó, các chuyên gia cũng cho rằng, tình trạng cung vượt quá cầu sẽ khiến cuộc chạy đua phát triển thị trường nội địa của các DN ngày càng khốc. Trong thời gian sắp tới, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An sẽ chứng kiến cuộc đua khốc liệt về tranh giành thị phần giữa các nhà sản xuất.
Dây chuyền mới của Tập đoàn Xi măng The Vissai và Công ty TNHH Long Sơn làm chủ đầu tư với sản lượng xi măng lớn, nằm ngay cạnh nhau trên cùng một địa bàn, chưa kể đến một loạt các công ty khác đang vận hành. Tập đoàn Xi măng The Vissai cũng sẽ dành 50% tổng sản lượng cho tiêu thụ nội địa. Nếu tình hình xuất khẩu không tốt thì việc cạnh tranh không lành mạnh, phá giá lẫn nhau sẽ rất dễ xảy ra.
Trước đó, theo dự kiến trong năm 2017 với 78 dây chuyền sản xuất xi măng lò quay, thì tổng công suất thiết kế của toàn ngành tăng lên 94,7 triệu tấn và sẽ dư thừa 17-18 triệu tấn. Dự kiến ngành này sẽ dư thừa khoảng 36-47 triệu tấn trong 3 năm tới.
Với tình trạng này, cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét, báo cáo Chính phủ giảm thuế xuất khẩu xi măng xuống thấp hơn mức 5% đang áp dụng. Đồng thời cho phép khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào với ngành sản xuất chế biến nguyên liệu từ khoáng sản (trong đó có xi măng).
Tuy nhiên, Vụ Vật liệu xây dựng cho rằng Bộ Xây dựng vẫn chưa nhận được văn bản của cơ quan nào hỏi ý kiến về giảm thuế xuất khẩu xi măng, đồng thời việc “giải cứu” này là không cần thiết.
Bởi tính bình quân năm 2016, các nhà máy xi măng sản xuất đạt hơn 90% công suất thiết kế, tức là các nhà máy vẫn có lãi bởi trong đầu tư sản xuất xi măng, nếu dự án phát huy được 70-80% công suất thiết kế là đạt điểm hòa vốn, nếu cao hơn là có lãi.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, phần lớn xi măng được tiêu thụ trong nước, xuất khẩu chỉ chiếm một phần. Việc kiến nghị đưa ra mức thuế hợp lý không phải hàm ý giải cứu mà để doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi hơn.
Nguồn Enternews