Thứ Ba, 26/11/2024 16:44:52 GMT+7
Lượt xem: 1104

Tin đăng lúc 29-05-2019

Tìm giải pháp phát triển nguồn điện bảo đảm năng lượng quốc gia

Trong thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nhiệt điện khí, thì nhiệt điện than (NĐT) vẫn là giải pháp cơ bản bảo đảm cung cấp điện với chi phí hợp lý, phù hợp với kinh tế đất nước và thu nhập của người dân.
Tìm giải pháp phát triển nguồn điện bảo đảm năng lượng quốc gia
Tìm giải pháp phát triển nguồn điện bảo đảm năng lượng quốc gia

Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia đồng thuận tại hội thảo tìm giải pháp phát triển nguồn điện bảo đảm năng lượng quốc gia, tổ chức tại TPHCM ngày 28/5.

 

Ông Lê Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hiệu chỉnh tại Quyết định 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh).

 

Về cơ cấu nguồn điện, theo lộ trình giai đoạn, điện năng thủy điện giảm từ hơn 25% năm 2020 xuống còn 12,4% năm 2030, trong khi đó, NĐT tăng nhẹ từ 49,3% lên 53,2%, nhiệt điện khí gần như không đổi, chiếm tỷ trọng gần 17%. Đặc biệt, năng lượng tái tạo tăng gần gấp đôi, từ 6,5% lên 10,7%.

 

Ông Lực cho biết, hiện nay đã cơ bản khai thác hết các nguồn thủy điện lớn và vừa. Chỉ còn một số ít các dự án thủy điện nhỏ, hiệu quả thấp đang khai thác dần, tiềm năng khoảng 4.000-5.000 MW.

 

Trong khi đó, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nguồn NĐT đưa vào vận hành giai đoạn2016-2020 là 13.850 MW, nhưng chỉ đưa được vào vận hành khoảng 8.000 MW, đạt 58%. Các dự án NĐT bị chậm do một số nguyên nhân chính: Thiếu vốn, chủ đầu tư và nhà thầu thiếu năng lực, các dự án BOT có thời gian đàm phán hợp đồng, chuẩn bị đầu tư kéo dài, một số địa phương không ủng hộ xây dựng NĐT…

 

Về năng lượng tái tạo, trong khi điện gió ít có dự án đầu tư, thì thời gian gần đây, điện mặt trời được nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư. Hiện đã có 332 dự án đề xuất bổ sung quy hoạch với tổng công suất khoảng 26.200 MW đến năm 2030. Theo dự kiến công suất đạt được vào năm 2030 khoảng 30.500 MW (theo Quy hoạch thì công suất tương ứng là 12.000 MW năm 2030). Theo ông Lực, công suất điện mặt trời được bổ sung quy hoạch cao hơn so với dự kiến trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh do có cơ chế khuyến khích (Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

 

Theo nhận định của các chuyên gia, nguồn thủy điện có giá điện thấp nhất đã cơ bản khai thác hết tiềm năng; nguồn nhiệt điện khí có giá điện cao phụ thuộc vào giá khí, nguồn khí mỏ trong nước đang dần cạn, mỏ khí mới có trữ lượng hạn chế phải nhập LNG cho phát điện từ năm 2021; nguồn năng lượng tái tạo mặc dù đang đẩy mạnh phát triển, nhưng phụ thuộc vào thời tiết, nên cần có nguồn dự phòng, có cơ chế khuyến khích và tiềm năng phát triển tốt.

 

Vì thế, nguồn NĐT có giá hợp lý, có vai trò quan trọng trong việc cung ứng điện. Lượng điện năng sản xuất năm 2030 của NĐT chiếm khoảng 53,2% tổng sản lượng điện của hệ thống. Tuy nhiên, một số dự án NĐT không phát triển được theo quy hoạch sẽ tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện. Các nguồn thay thế là nhiệt điện khí và năng lượng tái tạo sẽ tác động tăng đáng kể giá điện trong tương lai.

 

Đồng quan điểm trên, PGS.TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho rằng, trong tương lai 30-40 năm nữa, NĐT vẫn chiếm tỷ lệ chủ yếu trong tổng sản lượng điện của thế giới.

 

Ở một số quốc gia phát triển cao, giàu có, thì tỷ lệ NĐT ngày càng giảm. Trong khi ở những quốc gia đang phát triển, GDP hàng năm tăng cao, nhu cầu năng lượng mỗi năm tăng khoảng 10% như Việt Nam, thì tỷ lệ NĐT vẫn có xu hướng tăng dần.

 

 

Theo các chuyên gia ngành năng lượng, trong giai đoạn 2020-2030 và những năm tiếp theo, để bảo đảm cung cấp điện ổn định, phù hợp cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội đất nước, cần phải thực hiện các dự án nguồn điện trong quy hoạch đã được phê duyệt bảo đảm tiến độ, có cơ chế để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

 

Cần xây dựng cảng trung chuyển than, cảng nhập LNG để nhập than, khí cho phát điện. Bảo đảm cung cấp đủ than, đủ khí để vận hành phát điện. Đồng thời, bổ sung quy hoạch và thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời đồng bộ với hệ thống lưới điện.

 

Theo Báo Chính Phủ


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang