Số liệu từ Tổng cục Hải quan về xuất khẩu hàng thủ công sau 7 tháng năm 2019 cho thấy, so với cùng kỳ năm 2018, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng túi xách, ví, vali, mũ, ô dù tăng 10,6% (tăng 206 triệu USD); mặt hàng đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận tăng 6,5% (tăng trên 50 triệu USD); mặt hàng gốm, sứ tăng 4,6% (tăng trên 13 triệu USD); mặt hàng mây tre cói thảm tăng 39,9% (tăng 76 triệu USD). Cộng kim ngạch của 4 nhóm mặt hàng trên đạt 3,536 tỷ USD, tăng 10,8%- cao hơn tốc độ tăng của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (tăng 345 triệu USD).
Do xuất khẩu và tiêu thụ ở trong nước tăng nên ngành công nghiệp sản xuất hàng thủ công trong 7 tháng năm 2019 đã tăng 12,9%, cao hơn tốc độ tăng của công nghiệp chế biến, chế tạo (10,7%) và cao hơn tốc độ tăng của toàn ngành công nghiệp (9,4%).
Thị trường xuất khẩu hàng thủ công của Việt Nam tập trung chủ yếu vào Mỹ (chiếm trên 1/3) rồi EU (chiếm trên 1/5), Nhật Bản (chiếm trên 1/10), còn lại là Trung Quốc, Hàn Quốc và một số thị trường khác. Nếu kể cả xuất khẩu tại chỗ thông qua việc chi tiêu mua sắm của khách quốc tế(tương đương với khoảng 1 tỷ USD) trong 7 tháng qua thì quy mô xuất khẩu hàng thủ công còn lớn hơn nữa.
Trong khi tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của nhiều loại hàng hóa khác, kể cả những mặt hàng có kỹ thuật-công nghệ hiện đại hoặc những mặt hàng nông, thủy sản tăng chậm lại, thậm chí có loại còn bị giảm, thì những mặt hàng phát huy lợi thế về lao động (số lượng đông đảo, giá nhân công rẻ, tay nghề khéo léo,…) lại vẫn tăng và tăng với tốc độ cao hơn gấp rưỡi, gấp đôi những mặt hàng còn lại.
Ngoài ra, tăng trưởng các mặt hàng này thường không dẫn đến nhập siêu hay phụ thuộc vào nước ngoài.
Theo VietQ