Do đó, để hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD, các doanh nghiệp ngành dệt may cần chủ động có giải pháp phát triển bền vững, đáp ứng các yêu cầu về “xanh hóa” cũng như chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, khách hàng,...
Gia tăng đơn hàng
Ở thời điểm hiện tại, phần lớn doanh nghiệp ngành may đã có đơn hàng sản xuất đến tháng 5/2024; ngành sợi cũng được nhiều khách hàng đàm phán, giao dịch cho những tháng tiếp theo. Đây là những tín hiệu khởi sắc, góp phần giúp các doanh nghiệp đầu tư thiết bị, gia tăng quy mô sản xuất, kinh doanh. Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hơn 12 nghìn người lao động trực thuộc hệ thống tại tám tỉnh, thành phố trên cả nước đã đồng loạt ra quân sản xuất, với quyết tâm hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu theo kế hoạch.
Hiện tại, May 10 đã có đơn hàng đến hết tháng 5 và đang tiếp tục đàm phán cho những tháng tiếp theo nhằm sớm cán đích doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận 130 tỷ đồng đề ra. Ông Việt cho biết thêm, trong những năm qua, May 10 luôn chủ động đổi mới, sáng tạo, bứt phá tìm lối đi riêng.
Năm 2023, trong khi toàn ngành dệt may gặp nhiều khó khăn, doanh thu sụt giảm, May 10 đã thực hiện nhiều giải pháp, chủ động chọn việc khó để làm, giúp đơn vị giữ vững được các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh và bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tập trung phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững, xanh hóa trong sản xuất, khẳng định trách nhiệm của nhà sản xuất với người tiêu dùng trong việc cung cấp cho thị trường những sản phẩm có nguồn gốc thân thiện môi trường.
Tương tự, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương khẳng định, khi những tín hiệu xấu của thị trường xuất hiện trong năm 2023, quan điểm điều hành của tổng công ty là giữ ổn định việc làm dù không có tăng trưởng, mặc dù một số đơn vị bị giảm tới 20% doanh thu nhưng thu nhập của hơn 16 nghìn người lao động trong hệ thống vẫn được duy trì ở mức 11 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, năng suất lao động được tăng lên nhờ vào chiến lược đầu tư chiều sâu nhằm bù đắp cho đơn giá gia công giảm, thực hành tiết kiệm tối ưu hóa lợi nhuận.
Năm 2024, thị trường còn nhiều biến động khó lường, Hugaco sẵn sàng đón nhận cả những thách thức và tín hiệu tốt, đồng thời xây dựng hệ thống quản trị rủi ro khi thị trường đảo chiều, sẵn sàng vượt khó để hoàn thành các mục tiêu.
Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu, năm 2023, ngành dệt may Việt Nam đối diện với những khó khăn chưa từng có khi bất ổn địa chính trị, lạm phát gia tăng trên toàn cầu khiến tổng cầu dệt may thế giới suy giảm. Nhiều thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ giảm 19%, Liên minh châu Âu (EU) giảm 14%,... khiến lần đầu tiên sau 30 năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam bị giảm tới 11%. Ngoài ra, ngành dệt may Việt Nam còn chịu bất lợi về tỷ giá, chi phí lao động cao hơn nhiều so với các quốc gia cạnh tranh như Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia,...
Với nỗ lực vượt khó của người lao động toàn hệ thống, ngành dệt may đã đạt doanh thu hơn 17 nghìn tỷ đồng, bằng 103%; lợi nhuận 377 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch. “Hiện tại, một số đơn vị thuộc ngành may đã có đơn hàng bảo đảm sản xuất trong cả quý I và đến hết tháng 5/2024; ngành sợi cũng được nhiều khách hàng tiến hành giao dịch, đàm phán đơn hàng. Đây là những điểm sáng, tạo động lực để Vinatex sớm hoàn thành mục tiêu doanh thu đạt 17.536 tỷ đồng, tăng 3%; lợi nhuận đạt 415 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023”, ông Hiếu khẳng định.
Bám sát diễn biến thị trường
Năm 2024, kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm, GDP ước tăng 2,9%, trong khi tổng cầu dệt may thế giới dự kiến đạt 714 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm 2023 nhưng vẫn thấp hơn so với năm 2022. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tăng do giá điện, cước vận tải, lương tối thiểu tăng,... là những rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Liên quan vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex Lê Tiến Trường cho rằng, tổng cầu có xu hướng cải thiện so với năm 2023 nhưng còn nhiều bất định phụ thuộc vào diễn biến thị trường ở Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản.
Qua mức độ cải thiện kinh doanh của quý IV/2023, thể hiện từ việc giảm nhanh tồn kho, các chuyên gia kỳ vọng đơn hàng ngành may sẽ sớm quay trở lại phong độ như trước. Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, ngành vẫn phải đối diện nhiều thách thức, khi hiệu suất khai thác các nhà máy ở trong nước của Trung Quốc còn thấp, như vậy về chính sách vĩ mô họ sẽ tăng cường sản xuất trong nước và hạn chế nhập khẩu. Đối với ngành sợi, kết quả kinh doanh cũng phụ thuộc nhiều vào phản ứng chính sách của Trung Quốc, do vậy, giá nguyên liệu bông, xơ được nhận định sẽ giảm thấp trong nửa đầu năm 2024.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang nhận định, các đơn hàng trở lại gần đây cho thấy ngành dệt may đang tiếp tục phục hồi với sự suy giảm về giá trị xuất khẩu thu hẹp dần trong nửa cuối năm 2023, hướng đến năm 2024 khởi sắc, ấm dần của thị trường. Để hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, từ nay đến năm 2030, ngành dệt may sẽ chuyển trọng tâm dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Giai đoạn từ năm 2031 đến 2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngành dệt may có tham vọng xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới; trong đó, giải pháp chính sẽ tập trung đầu tư phát triển khoa học-công nghệ và nguồn nhân lực; đặc biệt, thu hút các dự án dệt-nhuộm-hoàn tất công nghệ cao vào các khu công nghiệp; đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường; đầu tư phát triển ngành thời trang dệt may,...
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện đa dạng hóa thị trường, mặt hàng và khách hàng; ứng dụng công nghệ tự động hóa ở một số dây chuyền sản xuất, giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ và chất lượng cao,... nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, khách hàng.
Theo Nhandan.vn