Từ những con số ấn tượng:
Trong đó, địa phương dẫn đầu thu hút được nhiều dự án đầu tư nhất là thành phố Quy Nhơn với 19 dự án, chiếm 47% tổng số dự án trong năm 2016, lần lượt các địa phương tiếp theo thu hút đầu tư trong năm qua là Thị xã An Nhơn được 7 dự án chiếm 18%, Phù Cát 4 dự án chiếm 10%, Tuy Phước và Hoài Nhơn mỗi huyên có 3 dự án chiếm 8%, huyện Tây Sơn có 2 dự án chiếm 5%; các huyện Hoài Ân, An Lão, Vân Canh mỗi địa phương thu hút được 1 dự án, chiếm 3%.
Huyện Phù Mỹ và Vĩnh Thạnh không khai thác dự án nào mới. Trong khi đó, năm 2015 huyện Phù Mỹ đã thu hút được Dự án Khu nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao trong nhà kính quy mô 300 ha, với tổng mức đầu tư 800 tỉ đồng và Dự mở rộng khu sản xuất giống thủy sản quy mô 10 ha với mức đầu tư 50 tỉ đồng tại xã Mỹ Thành do Tập đoàn Việt – Úc làm chủ đầu tư.
Về cơ cấu: nông nghiệp đã thu hút được 8 dự án, tập trung tại các huyện Phù Cát, Thị xã An Nhơn, huyện Hoài Ân, Vân Canh và thành phố Quy Nhơn. Trong đó có thể kể tên một số dự án tiêu biểu như Dự án Khu nuôi tôm thương phẩm ứng dụng công nghệ Biofloc do Công ty TNHH Thủy sản Thành Hiệp đăng ký đầu tư tại thôn Chánh Hóa, xã Cát Thành, huyện Phù Cát, tổng vốn đầu tư của dự án là 94.845.000.000 đồng,...
Lĩnh vực Công nghiệp - Xây dựng, toàn tỉnh đã thu hút được 11 dự án trong năm qua, các dự án tập trung chủ yếu tại các huyện, thị An Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn, thành phố Quy Nhơn, tiêu biểu như Dự án Khu dân cư Bông Hồng của Công ty Cổ phần Lâm nghiệp 19 đăng ký đầu tư tại Kho Xí nghiệp Bông Hồng, khu vực 3, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn; diện tích đất dự kiến sử dụng khoảng 23.355 m2; tổng vốn đầu tư khoảng 138.000.000.000 đồng; Dự án Khu dân cư Đông Bàn Thành do Liên danh Công ty CP Đầu tư Phát triển Dịch vụ Miền Bắc và Công ty CP Dịch vụ Đô thị An Nhơn đầu tư tại Phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định với diện tích đất sử dụng là 100.164 m2; vốn đầu tư cho dự án là 721.333.657.000 đồng; Dự án Nhà máy công nghiệp Able Tây Sơn do Công ty Able - Yamauchi Co., Ltd đầu tư tại CCN Phú An, xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn với diện tích đất sử dụng khoảng 25.000 m2; vốn đầu tư cho dự án là 57.980.000.000 đồng…
Sôi động nhất trong thu hút đầu tư là lĩnh vực Dịch vụ - Du lịch, trong đó phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đã thu hút các nhà đầu tư tầm cỡ như FLC, Hoa Sen, BMC, SunGroup, Trường Thành, Hưng Thịnh Corp… Trong năm 2016, có đến 20 dự án được triển khai đầu tư trên toàn tỉnh Bình Định, trong đó Quy Nhơn vẫn là địa bàn được các nhà đầu tư lựa chọn để triển khai các dự án khi có đến 16 dự án được triển khai tại đây. Tiêu biểu là Dự án Tổ hợp khách sạn 5 sao tiêu chuẩn quốc tế, trung tâm thương mại, dịch vụ văn phòng và nhà ở FLC Complex do Công ty Cổ phần Xây dựng Faros đầu tư tại Lô đất DV1 và DV4 thuộc Khu Đô thị - Thương mại – Dịch vụ phía Tây đường An Dương Vương, phường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Quy Nhơn với diện tích đất sử dụng khoảng 17.345 m2; tổng vốn đầu tư của dự án là 2.031.000.000.000 đồng; Dự án Trung tâm Thương mại Dịch vụ Khách sạn và Căn hộ cao cấp do Công ty CP Hoa Sen Quy Nhơn làm chủ đầu tư tại khu đất số 01 Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn, diện tích đất dự kiến sử dụng khoảng 6.850,5 m2; tổng vốn đầu tư khoảng 2.500.000.000.000 đồng. Các địa phương còn lại là Hoài Nhơn 3 dự án, An Nhơn, Tuy Phước, An Lão lần lượt mỗi địa bàn có 1 dự án.
Đến những định hướng mới cho năm 2017
Từ những thành quả đáng khích lệ của năm 2016, Bình Định tập trung xúc tiến kế hoạch đầu tư có trọng điểm, đón đầu các Hiệp định thương mại mang tính hội nhập sâu, rộng với khu vực và thế giới. Những lĩnh vực ưu tiên được thể hiện từ quý I/2017 như:
Một là: Bình Định tiến hành khai thác tiềm năng du lịch xây dựng trở thành ngành kinh tế quan trọng với mục tiêu trở thành một trong những địa điểm du lịch quan trọng trong chuỗi du lịch biển miền Trung, Việt Nam và trong khu vực.
Để thực hiện hiệu quả chủ trương này 2 vấn đề được Bình Định quan tâm triển khai trước là hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị và hoàn thiện chuỗi kết nối di sản văn hóa khu vực miền Trung và Tây Nguyên, chú trọng tạo chuỗi kết nối sản phẩm du lịch biển đảo, các tour, tuyến với các tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên để phục vụ các đối tượng khách quan tâm đến du lịch biển, khách tại các tỉnh Tây Nguyên và trên Tuyến hành lang Đông Tây.
Hai là: Tập trung đầu tư cho giáo dục – đào tạo – khoa học
Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư , lựa chọn mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, đầu tư nâng cấp vật chất cho các cơ sở giáo dục đào tạo bằng nguồn ngân sách nhà nước để qua đó thúc đẩy phát triển chất xám và nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh
Xác định công nghiệp phần mềm là ngành công nghiệp quan trọng của công nghệ thông tin , Phát triển công nghiệp chế biến tạo ra các sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao là một ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển lĩnh vực công nghiệp tại tỉnh, cùng với đó là việc phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghiệp mới.
Ba là: Hiện đại hóa ngành nông, ngư nghiệp:
Hiện đại hóa ngành ngư nghiệp, nhất là đánh bắt xa bờ, lấy trọng tâm là khai thác cá ngừ đại dương với công nghệ hiện đại, nâng cao giá trị sản phẩm, tiếp tục đầu tư trung tâm hậu cần nghề cá, quy hoạch xây dựng các làng chài theo hướng văn minh hiện đại.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái theo hướng giảm diện tích đất trồng lúa, tăng diện tích chăn nuôi và trồng rau quả có giá trị kinh tế cao, tăng hiệu quả sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh nông nghiệp, đảm bảo việc làm cho khu vực nông thôn, cải thiện chất lượng môi trường sinh thái, sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Văn Thuận