Thứ Sáu, 22/11/2024 05:56:44 GMT+7
Lượt xem: 2262

Tin đăng lúc 30-01-2017

Tình gà xứ Bắc

Trong những nét đẹp văn hóa cổ xưa và ngày nay vẫn còn được trân trọng thì con gà có một vị trí vừa gần gũi, vừa thiêng liêng. Gà là loài vật dễ thuần hóa, dễ nuôi, thực phẩm tiện, ngon, bổ.
Tình gà xứ Bắc
Xôi gà dự thi

Mặc dù chưa có tài liệu nào khẳng định chính xác gà được người Việt thuần hóa từ khi nào, nhưng qua truyền thuyết cho biết, gà đã được dân ta nuôi từ sớm. Thời Hùng Vương dân ta đã nuôi được giống gà quý “chín cựa” và là một trong các lễ vật thần Sơn Tinh đem làm sính lễ cưới hỏi công chúa lớn Mị Nương. Gần đây, giống gà chín cựa vẫn còn được tìm thấy ở Thanh Sơn (Phú Thọ) và được Trại gà Lạc Vệ (Dabaco) nhân giống. Điều đó cho thấy truyền thuyết tưởng là hoang đường nhưng rất gần gũi với đời sống và có cơ sở từ đời sống.

  

Con gà từ lâu đã trở thành vật nuôi phổ biến với mọi gia đình người Việt. Nuôi dễ, nhân đàn nhanh, hiệu quả kinh tế cao và rất tiện lợi với nền kinh tế tiểu nông tự cấp, tự túc nhiều thế kỉ qua của dân ta. Có khách, có giỗ, hoặc tuần tiết thịt một con gà là có mâm cơm, mâm cỗ tươm tất ngay. Nếu làm thịt một con chó đã bị coi là phàm ăn, tục uống “Rượu cả vò, chó cả con” rồi, huống chi là những vật nuôi lớn hơn như lợn, dê, trâu, bò… Cho đến ngày nay, dân ta vẫn quan niệm đĩa thịt gà là “đầu mâm cỗ”, nghĩa là đã làm cỗ là phải có món đầu tiên là thịt gà, món không thể thiếu.

  

Chuyện “ăn thịt gà” thế nào cho đúng cũng rất đáng lưu tâm. Ai từng học thầy Nguyễn Hải Kế sẽ thấy rõ điều này. Thầy kể, đã hai lần có “bài học” về chuyện ăn thịt gà. Lần đầu ăn cỗ với các cụ ở đình, thầy nhớ câu “Thứ nhất phao câu, thứ nhì đầu cánh” nên chọn những miếng ngon đó gắp cho các cụ lão làng. Một cụ nghiêm giọng mắng: “Ăn uống ở chốn đình chung phải nhường các cụ những miếng đầu gà, má lợn chứ bác”. Lần khác ăn cỗ với các cụ ở nhà, thầy lấy bài học lần trước chọn miếng đầu gà gắp cho các cụ bề trên. Vậy là bị nhắc liền: “Tôi lung lay hết răng rồi nhá, sao nổi đầu gà, bác nên nhường miếng đùi nhiều nạc dễ ăn chứ”.

  

Dân ta quan niệm thịt gà rất lành. Gái đẻ thời xưa phải kiêng rất nhiều món ăn, nhưng món thịt gà rim mắm ngọt đậm chân răng lại được dùng riêng, con lớn chớ nhòm ngó. Món trứng gà so được cả làng dành dụm cho gái đẻ tẩm bổ. Người cho coi như thứ để dành, người nhận vui vẻ nhận coi như thứ nợ đồng lần và cao hơn cả là tình người gắn kết thấm đẫm xóm làng.

  

Do gà rất gần gũi với đời sống mỗi gia đình mà đến tiếng gà gáy cầm canh cũng trở nên thân thuộc. Thời xưa không có sẵn đồng hồ, các cụ lấy tiếng gà gáy để biết giờ giấc đi làm đồng sớm. Tiếng gà gáy trở thanh biểu tượng của sự đầm ấm, no đủ của mỗi gia đình trong xóm làng. Nó ngấm vào tâm khảm của người đi xa. Bộ đội tăng buộc thêm lồng gà vào thân xe để hành quân đến đâu cũng có tiếng gà gáy đỡ nhớ quê nhà. Bộ đội nhà giàn DK ngoài khơi xa cũng nuôi lồng gà lấy tiếng bình yên, tiếng quê hương cho thêm sức mạnh trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió.

 

   

 

Đã từ lâu người dân xứ Bắc quan tâm lai chọn nên những giống gà quý. Gà ri mắn đẻ, thơm thịt. Gà pha mau lớn, chất lượng thịt vẫn ngon. Gà chọi đen tuyền thịt cũng là vị thuốc. Đặc biệt là giống gà Hồ gen quý. Người dân làng Hồ bền bỉ gây giữ giống chủ yếu để phục vụ cho lễ hội cúng thành hoàng. Ở đây có tục thi gà với các tiêu chí nặng cân, mã đẹp. Mà giống gà Hồ này xét về hiệu quả kinh tế thì không cao vì đẻ thưa, nuôi con vụng. Những người nuôi giữ giống có khi phải nuôi thêm gà tây để ấp hộ gà mái. Gà con giống phải nuôi bộ cẩn thận. Gần đây, giống gà Hồ đã được quan tâm bảo tồn nguồn gen quý. Tại làng Hồ, hiện có Hợp tác xã gà Hồ giúp bảo tồn và phát giống gà quý và có Hội gà Hồ tập hợp những người yêu quý giống gà quý để giao lưu, trao đổi giống gà. Ngày hội làng mồng 10 tháng Hai (âm lịch) hằng năm, làng đều tổ chức thi giống gà quý. Gà Hồ được biết đến nhiều hơn khi được chọn là linh vật Đại hội thể thao châu Á trong nhà (2009) do nước ta đăng cai.

 

Theo giáo sư Tô Ngọc Thanh, gà và gạo nếp là hai thứ thực phẩm thông dụng nhất thời xa xưa của dân ta. Do đó hai thứ này cũng là đồ cúng tế tiên tổ, thánh thần theo quan niệm “dương sao âm vậy”. Mâm xôi gà là biểu tượng của mâm lễ. Trong các đám thách cưới bên nhà gái dân quê thông thường có thách lễ ba ca gạo nếp với một con gà trống. Thời trước nhà trai phải gánh gạo nếp với lồng gà sang nhà trai. Ngày nay vẫn còn tục thách lễ nhưng đã giản tiện hơn bằng cách quy ra tiền, nhưng vẫn phải để vào phong bì riêng để phân biệt với số tiền dẫn cưới.

 

Làng Bưởi Cuốc (xã An Bình, huyện Thuận Thành) có lẽ là nơi đặc biệt coi trọng mâm lễ thánh và thành tục thi gà lượt. Người đến tuổi được dự thi gà lượt là đàn ông tuổi 49 sắp ra đình. Ban giám khảo là đàn ông tuổi 53. Xôi phải chín, hạt đều, to, mọng. Gà cũng phải chín, không nứt da, dáng đẹp và nặng cân. Nuôi gà lượt kì công nhưng luộc gà lượt còn kì công hơn nhiều. Người ta phải đóng khung tạo dáng cho gà trước khi luộc. Cách luộc cũng rất khác thường. Cho gà vào nồi đại, phủ vải rồi tưới nước nóng già từ từ. Thường phải luộc thông đêm mới đủ độ chín. Giải thưởng của làng chỉ là khẩu trầu, nhưng người ta quan niệm lộc thánh là rất lớn, năm ấy gia đình làm ăn thông đồng bén giọt hơn. Tục thi gà lượt do vậy vẫn luôn được dân làng chú trọng hằng năm và đây thực chất cũng là một hình thức biểu dương sản phẩm nông nghiệp rất đặc trưng.

   

Từ vật nuôi thông dụng, phổ biến, con gà trở thành vật thiêng trong tục thờ cúng và đã được các nghệ nhân làng tranh Đông Hồ (Thuận Thành) khắc thành bộ tranh gà đặc sắc: Gà trống gọi bình minh; gà mái mẹ con; chú bé ôm gà biểu trưng đại cát, phú quý… Tranh gà vừa để chơi, vừa để thờ ngày Tết. Tranh gà đại diện cho sự đổi mới, sáng sủa, tốt đẹp và xua đuổi tà khí, xua đuổi sự tăm tối. Thời xưa hầu như nhà nào cũng sắm bức tranh gà treo ngày Tết. Nhà thơ Tú Xương có câu thơ vịnh rất hay về việc này: “Le te trên vách bức tranh gà”.

 

Hình ảnh con gà với người dân xứ Bắc còn gần gũi, thân thương hơn khi nó đi vào lời ăn tiếng nói. “Gà trống nuôi con” chỉ sự vất vả, góa bụa của người cha; “Gà mái gáy trưa” báo điềm chẳng lành; “Béo như gà trống thiến” chỉ miếng ngon, phần ngon; “Gà đẻ gà cộc tác” ám chỉ kẻ gây họa lại to mồm đổ lỗi cho người khác; “Vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm” chỉ sự quấy phá của bọn trẻ khi người lớn đi làm và đây là lời răn dạy chí lí chí tình: “Khôn ngoan đá đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.

 

Phạm Thuận Thành


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang