Thứ Sáu, 22/11/2024 13:32:51 GMT+7
Lượt xem: 6549

Tin đăng lúc 19-02-2017

TKV đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án mỏ mới

Bảo đảm mục tiêu đáp ứng đủ than cho nền kinh tế, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng mỏ mới, cũng như mở rộng sản xuất. Theo quy hoạch, ngành than sẽ trở thành ngành công nghiệp phát triển; có sức cạnh tranh cao; trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực, đáp ứng đủ cho nhu cầu trong nước, nhất là than cho sản xuất điện.
TKV đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án mỏ mới
Thợ mỏ Công ty than Hà Lầm.

Cần nguồn vốn lớn

 

Theo quy hoạch được phê duyệt, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than đến năm 2030 khoảng 269 nghìn tỷ đồng, bình quân khoảng 17.934 tỷ đồng/năm. Trong đó, giai đoạn đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư khoảng hơn 95 nghìn tỷ đồng (bình quân hơn 19 nghìn tỷ đồng/năm); giai đoạn năm 2021-2030 nhu cầu vốn đầu tư hơn 172 nghìn tỷ đồng (bình quân 17 nghìn tỷ đồng/năm). Tại bể than Đông Bắc, đến hết năm 2020, sẽ hoàn thành thăm dò đến mức âm 300 m và một số khu vực dưới mức âm 300 m, bảo đảm đủ trữ lượng và tài nguyên. Phấn đấu đến hết 2025, hoàn thành cơ bản thăm dò đến đáy tầng than, bảo đảm đủ than để huy động vào thiết kế khai thác trong giai đoạn năm 2021-2030 và giai đoạn sau năm 2030,… Với bể than sông Hồng, phấn đấu trước năm 2020, hoàn thành thăm dò than khu Nam Thịnh và một phần mỏ Nam Phú II, huyện Tiền Hải (Thái Bình) để phục vụ lập và thực hiện dự án thử nghiệm. Trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền bể than sông Hồng và kết quả thực hiện các dự án thử nghiệm, sẽ thăm dò mở rộng làm cơ sở để phát triển các mỏ than ở quy mô công nghiệp với công nghệ hợp lý. Về khai thác than, sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành than trong các giai đoạn của quy hoạch khoảng 47 đến 50 triệu tấn vào năm 2020; 51 đến 54 triệu tấn vào năm 2025 và 55 đến 57 triệu tấn vào năm 2030. Đối với tổn thất than, phấn đấu đến năm 2020, giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp hầm lò xuống khoảng 20% và dưới 20% sau năm 2020, bằng phương pháp lộ thiên xuống khoảng 5% và dưới 5% sau năm 2020.

 

Phó Tổng Cục trưởng Năng lượng (Bộ Công thương) Nguyễn Khắc Thọ cho biết, tính đến nay, tổng trữ lượng và tài nguyên than khoảng 48,88 tỷ tấn, gồm 2,26 tỷ tấn trữ lượng và 46,62 tỷ tấn tài nguyên; trong đó, trữ lượng và tài nguyên than huy động vào quy hoạch khoảng 3,05 tỷ tấn, gồm 1,22 tỷ tấn trữ lượng và 1,83 tỷ tấn tài nguyên. Quan điểm phát triển tại quy hoạch là khai thác đáp ứng tối đa cho tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước; đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước, xuất nhập khẩu hợp lý theo hướng giảm dần và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng. Việc sản xuất và tiêu thụ than phải bảo đảm bền vững, đáp ứng lâu dài cho nhu cầu sử dụng trong nước, nhất là than cho sản xuất điện. Mục tiêu của quy hoạch nhằm xây dựng ngành than Việt Nam trở thành ngành công nghiệp phát triển; có sức cạnh tranh cao, trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực ở tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sàng tuyển, chế biến, sử dụng than.

 

Xây mới các mỏ theo hướng hiện đại

 

Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển theo quy hoạch đã được phê duyệt, TKV yêu cầu các đơn vị thành viên đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án đầu tư khai thác mỏ như Nam Mẫu, Dương Huy, Quang Hanh, Hạ Long, Tràng Bạch (Uông Bí), rìa moong Khánh Hòa, Mỏ Khe Chàm II - IV (công suất 3,5 triệu tấn/năm); dự án hầm lò xuống sâu dưới mức âm 150 m Công ty than Mạo Khê (công suất 1,5 triệu tấn/năm); dự án hầm lò mỏ than Núi Béo (công suất 2 triệu tấn/năm),... Dự án Khe Chàm II-IV có quy mô diện tích khoảng 12,6 km2, được TKV khởi công từ năm 2013, khai thông bằng ba giếng đứng kết hợp các lò xuyên vỉa ở hai tầng khai thác. Tầng trên khai thác từ độ sâu 60 đến 350 m, tầng dưới khai thác từ độ sâu 350 đến âm 500 m; trong đó, giếng chính và giếng phụ được đào từ mức 35 m xuống độ sâu âm 500 m; giếng thông gió từ mức 95 m xuống sâu âm 150 m. Dự án có công suất thiết kế 3,5 triệu tấn than/năm với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, trữ lượng công nghiệp hơn 74 triệu tấn, tổng số có 13 lò chợ được thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong khai thác đối với tất cả các khu vực có điều kiện cho phép,... TKV cũng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, tư vấn trong quá trình đầu tư và phát triển, hiện đại hóa các mỏ than, từng bước nâng cao năng lực khai thác than hầm lò, đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng cơ giới hóa khai thác và đào lò tại những khu vực có điều kiện địa chất kỹ thuật mỏ phù hợp.

 

Năm 2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần khoảng 26 triệu tấn than, trong đó sẽ có khoảng 23 triệu tấn than sản xuất trong nước, còn lại là nhập khẩu. Đến năm 2020, EVN cần tới 36,5 triệu tấn than. Mặc dù Quy hoạch điện VII đã có sự điều chỉnh, giảm bớt nguồn nhiệt điện than và tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, song nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu nguồn điện và là giải pháp chủ đạo bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong dài hạn. Theo đó, đến năm 2020, nhiệt điện than chiếm khoảng 40 đến 43% và sẽ đạt khoảng 50% vào năm 2030. Phó Tổng Giám đốc TKV Nguyễn Văn Biên cho biết, từ nay đến năm 2020, có hai cụm nhà máy nhiệt điện gồm Nhiệt điện Thái Bình và Nhiệt điện Vĩnh Tân I sẽ đi vào hoạt động, mỗi cụm sử dụng khoảng 4,5 triệu tấn than. Như vậy, đến năm 2020, sản lượng của TKV cũng phải tăng thêm chín triệu tấn mới đủ đáp ứng cho hai nhà máy này. Theo ông Biên, với nhu cầu của hai cụm nhiệt điện, việc phát huy công suất các mỏ hiện có và chủ động xây dựng kịp thời các mỏ mới sẽ hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng được nhu cầu than của các nhà máy điện. Để các nhà máy nhiệt điện than hoạt động ổn định, hiệu quả, cần phải có nguồn cung ứng than với khối lượng lớn, ổn định và lâu dài. Chính phủ, Bộ Công thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, xây dựng đề án cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện. Đồng thời, đề ra mục tiêu và định hướng phát triển nhiệt điện than trên cơ sở khai thác tối đa nguồn than trong nước cho phát triển các nhà máy nhiệt điện, ưu tiên sử dụng than trong nước cho các nhà máy nhiệt điện khu vực miền bắc.

 

Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải khẳng định, nhằm bảo đảm khai thác hiệu quả các dự án sau đầu tư, TKV đã chỉ đạo các đơn vị từng bước nâng cao năng lực khai thác than hầm lò; đổi mới công nghệ theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa nhằm nâng cao mức độ an toàn lao động và năng suất, chất lượng sản phẩm. Các công ty trong Tập đoàn cũng chủ động sắp xếp, tổ chức sản xuất hợp lý, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu và áp dụng các giải pháp công nghệ nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm. Việc đầu tư các mỏ hầm lò mới, tập trung đầu tư công nghệ hiện đại của TKV phù hợp với chủ trương chuyển hướng ngành than từ tăng trưởng nóng sang tăng trưởng xanh, phát triển theo chiều sâu, nhằm tận thu nguồn tài nguyên và bảo đảm môi trường bền vững.

 

Đến năm 2020, tại bể than Đông Bắc, sẽ đầu tư cải tạo mở rộng, nâng công suất chín dự án mỏ (Cẩm Phả bốn dự án, Hòn Gai bốn dự án, Uông Bí một dự án); đầu tư xây dựng mới 41 dự án mỏ (Cẩm Phả 17 dự án, Hòn Gai bảy dự án, Uông Bí 17 dự án).

Nguồn Nhandan.com.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang