Tọa đàm có sự tham dự của các khách mời là đại diện lãnh đạo Sở Y tế, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường… cùng đại diện lãnh đạo các quận, huyện và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bánh trung thu trên địa bàn TP Hà Nội.
Thời điểm mà Tết Trung thu 2019 đang cận kề thì mối lo ngại lớn nhất chính là việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, tiêu dùng bánh Trung thu. Hiện nay, bánh Trung thu được sản xuất từ 3 nguồn: Của các công ty (hãng); của các nhà sản xuất thủ công, hoặc gia đình tự sản xuất; đặc biệt gần đây là bánh Trung thu handmade. Dù đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý, kiểm soát ATTP, song vẫn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập, ảnh hưởng tới tâm lý sử dụng của người tiêu dùng.
Tại buổi tọa đàm, nhiều bạn đọc đã đặt câu hỏi trực tiếp cũng như trao đổi với các khách mời trên tinh thần thẳng thắn, khách quan, nhằm đóng góp những ý kiến hữu ích giúp thị trường bánh trung thu an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm.
Trả lời cho câu hỏi “Nhiều loại bánh Trung thu có hạn sử dụng tới nửa năm. Vậy theo các cơ quan chức năng thành phố thì bánh Trung thu có hạn dụng lâu như vậy có đảm bảo an toàn?”, bà Hoàng Minh Thu – Chi cục Phó Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết: Thông thường, với loại bánh dẻo thời hạn sử dụng từ 15-20 ngày; bánh nướng từ 20-30 ngày. Trên thực tế có những cơ sở sản xuất ghi thời hạn sử dụng bánh đến hơn 1 tháng thì chắc chắn sử dụng chất bảo quản. Tuy nhiên, cơ sở được sử dụng chất bảo quản trong giới hạn, hàm lượng cho phép. Khi sử dụng chất bảo quản trong mức cho phép thì hoàn toàn hợp lệ. Ngoài ra, trong quá trình bảo quản phải đảm bảo đúng quy định như ở nơi thoáng mát, chống ánh nắng trực tiếp, tránh côn trùng... thì sản phẩm đó mới đảm bảo được hạn như trên bao bì đã ghi.
Liên quan đến vấn đề về các biện pháp kiểm soát chất lượng ATVSTP của cơ quan chức năng, trả lời bạn đọc, ông Đàm Tiến Thắng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ngành Công Thương đã chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm cả năm, chứ không chỉ trong dịp Trung thu. Riêng với bánh Trung thu, Sở đã tham mưu thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành ở tất cả các quận huyện, nhất là những khu vực sản xuất bánh Trung thu.
Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục thực hiện thanh kiểm tra, nếu phát hiện trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo người tiêu dùng. Đồng thời, Sở cũng yêu cầu đơn vị quản lý thị trường kiểm soát chất lượng nguyên liệu nhập khẩu, làm tốt và ngăn chặn các hành vi vi phạm chất lượng. Trong tháng 8, Sở Công Thương Hà Nội cũng sẽ có chương trình hậu kiểm với các cơ sở sản xuất bánh Trung thu do Sở cấp giấy chứng nhận ATTP nhằm phòng ngừa tình trạng vi phạm và các hành vi gian dối.
Về phía khách mời là đại diện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu, khi được hỏi về việc đảm bảo ATTP được thực hiện ra sao tại các doanh nghiệp sản xuất, bà Lê Thu Hiền - Đại diện Công ty Cổ phần Bánh kẹo liên doanh Maiays Việt Nam cho biết: Doanh nghiệp chúng tôi đã chuẩn bị những nguồn nguyên liệu đầu vào có xuất xứ rõ ràng ở Việt Nam, ví dụ như hạt sen ở Đồng Tháp Mười, đậu xanh nhập toàn bộ ở nông sản thị trường Hà Nội, trứng vịt muối từ Công ty trứng Ba Huân… nên tất cả nguyên vật liệu sản xuất đều rõ ràng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng quản lý được nguyên vật liệu để sản xuất nhân bánh, nên chất lượng đầu ra luôn đảm bảo, rõ ràng.
Còn theo đại diện Bếp trưởng Khách sạn Marriot Hanoi Ngô Thị Vân: Khách sạn đảm bảo ATTP theo quy trình một chiều khi tất cả nguyên liệu đều nhập từ các công ty qua sự chứng thực của Sở Y tế. Thành phẩm sau khi làm ra cũng có phòng riêng để bảo quản theo đúng quy định.
Ngoài các vấn đề về VSATTP, tại buổi tọa đàm, bạn đọc còn đặt các câu hỏi liên quan đến công tác kiểm soát chất lượng bánh trung thu tại các quận, huyện, cũng như cách nhận biết bánh trung thu ngon và xử lý bánh dư thừa ở các DN sản xuất…
Thông qua buổi tọa đàm, hy vọng sẽ giúp người tiêu dùng nâng cao hiểu biết của mình trong việc lựa chọn thực phẩm có chất lượng, vệ sinh an toàn cho sức khỏe trong dịp Tết Trung thu.
N.H