Phát biểu khai mạc tọa đàm, bà Phạm Thị Thanh Huyền - Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân cho biết, ngày 24.5.2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 568/QĐ-TTg ban hành Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 với các mục tiêu cụ thể và giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ. Cụ thể, chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%, giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc xuống dưới 25%, tại nhà hàng xuống dưới 65%; ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng, đặc biệt là ưu tiên ngăn chặn sự tiếp cận của thanh thiếu niên.
Nhằm góp phần thúc đẩy triển khai Chiến lược này, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm “Thực trạng thuốc lá mới và giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng”. Thông qua thảo luận về thực trạng mua bán, sử dụng và quản lý các sản phẩm thuốc lá mới hiện nay, tọa đàm mong muốn ghi nhận được các đề xuất nhằm hoàn thiện khung pháp lý đối với các sản phẩm thuốc lá mới, nhằm mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Về thực trạng sử dụng, buôn bán thuốc lá mới, theo WHO, sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đều có chứa nicotine, nhưng khác nhau ở thành phần. Thuốc lá làm nóng có nguyên liệu thuốc lá trong điếu thuốc lá ngắn đặc chế. Thuốc lá điện tử thì có thành phần là dung dịch tinh dầu với khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng, trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, có thể gây cháy nổ, và có thể pha trộn các chất khác vào dung dịch như ma túy, cần sa.
Căn cứ quy định tại các danh mục thì mặt hàng thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng) chưa được định danh cụ thể tại Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và cũng không thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện hay bị áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.
Các đại biểu tham luận tại Toạ đàm
Tại tọa đàm, các đại biểu đã nêu lên nghịch lý: nhóm sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng… hiện chưa được phép nhập khẩu nhưng các sản phẩm này lại vào Việt Nam qua con đường nhập lậu hoặc xách tay, được mua, bán dễ dàng và đang được sử dụng phổ biến trong xã hội, cộng đồng. Điều này mang đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe của người dùng khi không được tiếp cận các sản phẩm chính danh, có nguồn gốc, chất lượng được thẩm định rõ ràng, từ đó tạo gánh nặng cho ngành y tế và toàn xã hội nói chung.
Theo đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Trương Xuân Cừ: Thuốc lá mới 100% đều là hàng nhập lậu. Đại diện Bộ Công Thương, Trưởng phòng Công nghiệp tiêu dùng thực phẩm, Cục Công nghiệp Cao Trọng Quý cũng cập nhật, lực lượng chức năng đã tăng cường phòng chống buôn lậu song “tình hình vẫn diễn biến phức tạp”.
Ông Cao Trọng Quý, Trưởng phòng Công nghiệp, tiêu dùng thực phẩm, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đánh giá, việc sử dụng thuốc lá mới nhập lậu không chỉ khiến Nhà nước không thu được thuế, mà còn khiến người dân sử dụng sản phẩm không được quản lý về chất lượng dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe. Cần phân biệt rõ sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng để không ảnh hưởng đến tiến trình ra quyết định quản lý các sản phẩm thuốc lá mới đã phù hợp với định nghĩa của luật hiện hành.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ, thuốc lá mới là sản phẩm công nghệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là xu thế khó tránh khỏi. Song, điều đáng lưu tâm là sản phẩm này đang hướng đến giới trẻ, đặc biệt là thanh thiếu niên. Kết quả một điều tra lứa tuổi 13 – 15 cho thấy, có tới 60% các em trả lời đã được người khác cho, tặng thuốc lá điện tử lậu, 20% đi mua và 2% là mua từ chính các bạn của mình. Các sản phẩm lậu hướng tới đối tượng là trẻ, với mẫu mã đa dạng bắt mắt, hương vị hấp dẫn, thu hút. “Đây là thực trạng rất đáng báo động!”
Về cơ sở pháp lý, tiến trình kiểm soát thuốc lá mới, ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, nguyên Tổ trưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, chúng ta chỉ mới tiếp cận theo hướng là bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, nhưng chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề thị trường. Đồng thời việc cấm mặt hàng này cũng không khả thi về mặt thực tiễn. Trong khi đó, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đã có quy định rõ vùng ảnh hưởng, phạm vi, đối tượng bị cấm tiếp xúc với mọi loại thuốc lá, cũng như đã giải thích rõ định nghĩa về sản phẩm thuốc lá thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.
Ông Cao Trọng Quý thông tin, đến nay, đã có 184/195 quốc gia đã ban hành quy định quản lý thuốc lá làm nóng, 111/195 ban hành quy định quản lý thuốc lá điện tử, trong đó có Mỹ, Anh, 28 nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước trong khối ASEAN như Malaysia, Indonesia, Philippines… Cơ chế quản lý 2 sản phẩm này còn khác nhau giữa các nước, nhưng điểm chung là phần lớn đều áp dụng quy định theo Luật PCTHTL của nước sở tại.
Ông Vũ Công Thảo cũng nhìn nhận, nếu trên thế giới đã có 184/195 quốc gia đưa các sản phẩm thuốc lá mới vào quản lý thì Việt Nam không thể đứng ngoài bối cảnh quốc tế. Đồng thời việc kiến nghị nhập khẩu, kinh doanh các sản phẩm này thuộc phạm vi của Bộ Công Thương.
Về phía Bộ Công Thương đã có 2 lần trình Chính phủ nghị định về quản lý thuốc lá mới, song hiện vẫn chưa thống nhất với Bộ Y tế. Bộ Công Thương đang xây dựng nghị định theo hướng tiệm cận gần nhất với Bộ Y tế để bảo đảm phù hợp với thực tiễn quản lý cũng như thông lệ quốc tế.
Ở góc độ trong nước, Phó Trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cũng nêu thực trạng, hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về thuốc lá mới. Luật PCTHTL đã quy định phạm vi điều chỉnh là “về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá”.
Trước đó ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự, Bộ Tư pháp đã phân tích, Luật PCTHTL cũng giải thích từ ngữ “thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”. Dù vậy, theo ông Nhưỡng, chúng ta vẫn đang có khoảng trống trong quy định pháp luật nên không có công cụ, phương tiện để quản lý thuốc lá mới, tức thiếu “điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá” theo quy định của Luật. Cùng với đó, quản lý thuốc lá mới đang gặp khó khăn trong nhận thức do vẫn chưa thống nhất, thiếu đầy đủ, còn thiên lệch khi mới tập trung vào việc làm thế nào để giảm bớt tác hại của thuốc lá mới mà chưa quan tâm đến tính tổng thể của hệ thống các quy định.
Về giải pháp quản lý thuốc lá mới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ đồng ý với ý kiến phải có cơ quan chức năng để đánh giá tác động, ảnh hưởng của thuốc lá với sức khỏe, môi trường sống, môi trường xã hội. Từ đó, hoàn thiện hành lang pháp lý cho dòng sản phẩm mới này. Trong khi chờ đợi khung pháp lý hoàn chỉnh, cần có những biện pháp tức thời để kiểm soát ngay vấn đề giới trẻ tiếp xúc với thuốc lá mới, chẳng hạn như kiểm tra độ tuổi, quy định chặt chẽ kênh bán lẻ, xử lý nghiêm minh các vi phạm đối với vấn đề nhập lậu, lưu thông sản phẩm không đúng luật, v.v.
Theo ông Hạ, dựa trên luật PCTHTL, có thể áp dụng lệnh cấm đúng đối tượng, đúng mục đích đó là cấm quảng cáo, mua bán, cho tặng đối với thế hệ trẻ.
Ông Nguyễn Đức Kiên nêu rõ, tinh thần của Chính phủ đối với vấn đề thuốc lá mới là tôn trọng thực tế khách quan, nhưng vẫn có những biện pháp đồng bộ, vừa bảo đảm người dùng được dùng hàng chất lượng và bảo đảm không thất thu ngân sách của Nhà nước. Đồng thời, bảo đảm là quản lý được trên thị trường về giá để không tạo thành một mặt hàng siêu lợi nhuận và cuối cùng là bảo đảm yếu tố bao trùm là bảo vệ sức khỏe người dân Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ. Theo đó, Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương chủ trì đề xuất phương án quản lý thuốc lá mới, vì vậy cơ quan này cần khẩn trương đề xuất phương án trình Chính phủ xem xét, ban hành./.
PV