Tối ưu hóa chí phí để phát triển bền vững
Theo ông Thiều Kim Quỳnh - Tổng giám đốc EVNNPC, để thực hiện tối ưu hóa chí phí, EVNNPC đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp cụ thể như: kiểm soát chặt chẽ chi phí đầu tư ngay từ khâu chuẩn bị lập dự án đầu tư, thẩm định phê duyệt; triển khai đồng bộ và gắn liền với tối ưu hóa trong các lĩnh vực quản lý kỹ thuật vận hành, kinh doanh điện năng, quản lý vật tư thiết bị, định mức nhân công hợp lý, đổi mới cơ chế tiền lương, ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường hiệu quả sản xuất, kinh doanh của toàn tổng công ty.
Đặc biệt, EVNNPC sẽ hoàn chỉnh quy chế phân cấp quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư, quy định về quản lý chất lượng các công trình xây dựng phù hợp với nghị định thông tư trong tình hình hiện nay cũng như xây dựng nội dung tối ưu hóa chí phí trong lựa chọn các danh mục đầu tư xây dựng, bố trí các nguồn vốn thực hiện nâng cao hiệu quả công tác quản lý và giám sát đầu tư, ưu tiên các mục đầu tư, đưa ra các tiêu chí cụ thể để xem xét như tiêu chí quy hoạch, tổn thất điện năng, vận hành tối ưu, giảm chi phí trong quản lý… cũng như xây dựng cụ thể các thông số đầu vào cho từng khu vực, từng công ty điện lực để đảm bảo các chỉ tiêu này sát với thực tế, đặc biệt EVNNPC sẽ hạn chế chỉ định thầu và bố trí gói thầu hợp lý hơn để lựa chọn được nhà thầu tốt hơn.
Nâng cao quản trị doanh nghiệp và năng suất lao động
Giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh và từng bước chuẩn bị cho thị trường bán lẻ cạnh tranh. Yêu cầu nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm tổn thất điện năng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và nâng cao năng suất lao động đã trở nên cấp thiết với ngành điện nói chung và của tổng công ty nói riêng.
Theo đó, EVNNPC đã xây dựng “ Đề án nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng suất lao động giai đoạn 2016-2020” với các mục tiêu: Đảm bảo cung cấp điện an toàn, đầy đủ, ổn định, chất lượng dịch vụ ngày càng cao, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của các địa phương; nâng cao năng lực quản trị, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phấn đấu đến năm 2020, EVNNPC sẽ phát triển ngang tầm khu vực, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.
Cụ thể, đến năm 2020, tổn thất điện năng giảm còn 5%, tỷ lệ thu tiền điện đạt 99,7%, thời gian mất điện trung bình giảm còn 511phút/khách hàng/năm... Đối với chất lượng dịch vụ thì nâng mức thỏa mãn khách hàng năm sau cao hơn năm trước, đến năm 2020, đạt điểm hài lòng khách hàng trung bình từ 8/10 trở lên. Chỉ số tiếp cận điện năng từ tháng 9/2015 giảm chỉ còn 10 ngày làm việc. Chỉ tiêu năng suất lao động theo sản lượng điện thương phẩm phấn đấu ≥3,35 triệu kWh/nhân viên. Năng suất lao động theo khách hàng sử dụng điện ≥470 khách hàng/nhân viên. Nâng cao hiệu quả tài chính thống qua hệ số bảo toàn vốn ≥1; tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu ≥1%; đến năm 2020 lưới điện 110 kV bảo đảm tiêu chí N-1; lưới điện vận hành ở điều kiện bình thường không vượt quá 75% tải định mức các máy biến áp và 50% tải định mức của các đường dây, không để xảy ra tình trạng non tải và quá tải kéo dài. Đến năm 2020, 100% các công ty điện lực đều có hệ thống SCADA.
Đây được xem là bài toán khó với EVNNPC bởi với 27 tỉnh, thành phố miền núi phía Bắc, nhiều tỉnh có tỷ lệ các hộ nghèo lớn như: Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn…Đó là chưa kể điều kiện địa lý, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt nên suất đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng lưới điện lớn, chí phí bảo dưỡng, bảo trì và sửa chữa cao, nhiều địa bàn mỗi khi mùa mưa lũ về công trình điện thường bị ảnh hưởng rất nặng nề do sét, mưa giông, lũ. Để cân bằng giữa lợi nhuận và lợi ích xã hội - nhiệm vụ chính trị khi tham gia thị trường điện cạnh tranh thì một mình EVNNPC không thể đảm đương nổi mà cần sự hỗ trợ đồng bộ từ Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN và sự đồng thuận của xã hội.
Ông Thiều Kim Quỳnh - Tổng giám đốc EVNNPC:
Các giải pháp EVNNPC sẽ hướng tới là: Duy trì tài chính lành mạnh, minh bạch; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh bán điện và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng; vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định tin cậy; từng bước hoàn thiện lưới điện thông minh, có tỷ lệ tự động hóa cao; củng cố và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp thông qua nâng cao chất lượng nguồn lực và tăng năng suất lao động.
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử