Mới đây, Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Phòng An ninh kinh tế, Công an thành phố Hà Nội kiểm tra, bắt quả tang một cơ sở đang có hành vi bơm tạp chất vào tôm tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai. Thời điểm lực lượng chức năng ập vào kiểm tra, 2 người tại cơ sở đang thực hiện hành vi bơm tạp chất vào tôm.
Được biết, chất lỏng được bơm vào tôm có thể khiến những con tôm đã chết ươn trở nên căng cứng và đẹp hơn. Theo ước tính của cơ quan chức năng, mỗi con tôm sau khi bơm tạp chất tăng trọng lượng 10-15% so với khi chưa bơm.
Hiện nay hành vi bơm tạp chất vào tôm diễn ra phổ biến gây hoang mang cho người tiêu dùng khi lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày.
Chị Hoàng Dược (Tân Mai, Hà Nội) cho biết: “Việc liên tục phát hiện, bắt giữ cơ sở chế biến thực phẩm bẩn khiến tôi thấy sợ. Tôm là món khoái khẩu của cả nhà nhiều hôm tham rẻ tôi cũng đã mua tôm đông lạnh không biết có bị vướng phải tôm bơm tạp chất không. Khi vào mạng đọc thấy chuyên gia phân tích là tôm, cá bơm tạp chất dạng lỏng sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển, dễ gây nên các chứng bệnh nguy hại cho hệ tiêu hóa, suy nhược cơ thể, giảm trí nhớ… mà thấy sợ quá!”.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội - khẳng định trên báo chí, việc bơm tạp chất vào tôm là hành vi gian lận thương mại. Nhiều người đưa tạp chất vào tôm nhằm làm tăng khối lượng, kích cỡ, thay đổi kết cấu tôm hay đánh lừa cảm giác về độ tươi của sản phẩm...
Cũng theo các chuyên gia, thủy sản nói chung và tôm nói riêng khi bị bơm tạp chất (đặc biệt tạp chất dạng lỏng) là môi trường phù hợp cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển. Nếu ăn phải sẽ có nguy cơ ngộ độc, mắc các bệnh nguy hiểm như tả, tiêu chảy, thương hàn, rối loạn tiêu hóa. Nguy hiểm hơn, trong trường hợp gian thương "phù phép" những con tôm đã bị ươn, hỏng để trở nên bắt mắt, người tiêu dùng rất dễ bị đánh lừa và đối mặt với nguy cơ ngộ độc cao.
Dưới đây là một số cách nhằm giúp người tiêu dùng tránh mua phải tôm bơm tạp chất:
- Theo khuyến cáo của lực lượng chức năng, khi chọn tôm, nếu thấy con tôm cứng, thẳng đơ thì đó là tôm đã được bơm tạp chất. Mang tôm bơm tạp chất cứng, phồng căng trong khi mang tôm thật thường mềm, phẳng. Khi lật mang của con tôm lên sẽ phát hiện ra ngay, bởi mang của tôm bơm thạch rau câu sẽ căng, còn mang của tôm bình thường sẽ rất mềm. Khi bơm thạch vào, con tôm sẽ có 2 lớp, đó là lớp thịt và lớp rau câu, vì vậy, người ăn nên cẩn trọng bóc mang hoặc vỏ ra.
- Về màu sắc, gần như không thể phân biệt được tôm bơm và tôm sạch. Mình tôm bơm tạp chất thường mập, căng bất thường, mập đến nỗi các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân. Tôm bơm khi mới chết thường bị phù đầu, gai vểnh, xòe đuôi. Đầu và thân nhanh chóng rời nhau.
- Tôm bơm khi nấu chảy nhiều nước, thịt tôm bị teo lại. Khi ăn thịt bở, vị nhạt hơn so với bình thường. Nếu là tôm bị bơm thạch, khi nấu chín, bóc vỏ tôm ra sẽ dễ dàng thấy lớp rau câu nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm. Nhất là ở phần đầu, dưới mang.
Tuy nhiên, cách tốt nhất là người tiêu dùng nên mua tôm vẫn còn “nhảy tanh tách”, không rớt chân càng để chắc chắn rằng mình không mua phải tôm đã bị bơm tạp chất.
Trường An