Thứ Sáu, 22/11/2024 23:36:43 GMT+7
Lượt xem: 2088

Tin đăng lúc 10-02-2017

Tôm hùm đỏ không được phép nuôi tại Việt Nam

Liên quan đến sự việc một doanh nghiệp ở Đồng Tháp nuôi tôm hùm đỏ, sinh vật ngoại lai nằm trong danh sách cấm nhập khẩu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) khẳng định: “Tôm hùm đỏ không được đưa vào danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam."
Tôm hùm đỏ không được phép nuôi tại Việt Nam
Ảnh minh họa

Trong những ngày gần đây, thông tin về sự xuất hiện của những con tôm hùm đỏ hung dữ, có thể phá hại môi trường, sinh vật… được nuôi ở xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) gây xôn xao, khiến nhiều nông dân lo lắng như  đại dịch “ốc bưu vàng”. Về vấn đề này, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản gửi Sở NN&PTNT Đồng Tháp yêu cầu xác minh sự việc và báo cáo các giải pháp xử lý hiện tượng thả nuôi loài ngoại lai trái phép. Xác minh nguồn gốc, số lượng và cách thức xâm nhập vào Việt Nam.

 

Theo ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng vụ Nuôi trồng thủy sản, con tôm hùm này có tập tính ăn tạp, đào hang phá hoại các bờ ruộng, cạnh trạnh ảnh hưởng tới đa dạng sinh học. Trước đây, Bộ NN&PTNT đã có nghiên cứu đánh giá, kết quả cho thấy ngoài tập tính không tốt thì hiệu quả kinh tế cũng không cao. Do đó, con tôm hùm này không được đưa vào danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, trong Thông tư liên tịch số 27 giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Tài nguyên Môi trường, con tôm này được xếp vào nhóm ngoại lai có khả năng xâm hại.

 

Theo các chuyên gia thủy sản, tôm hùm đỏ còn có nhiều tên tiếng Anh như Crawfish, Crayfish, Crawdads, Mudbugs, Red Swamp Crayfish. Loại tôm này có nhiều ở Louisiana (Mỹ) nên còn gọi là Louisiana Crayfish. Tôm này có thể bò trên cạn như cua, đào hang nhiều ngóc ngách và đẻ trứng trong hang. Nếu thiếu ôxy, nước sạch, thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm, tôm có thể bò ra khỏi nơi sinh sống nên khả năng tôm hùm đỏ phát tán ra ngoài là rất lớn.Vốn có tính ăn tạp, tôm này có khả năng thích nghi tốt với môi trường. Do đó, tôm Crawfish phát tán có thể mang mầm dịch bệnh nấm tôm Aphanomyces astaci, virus gây bệnh đốm trắng cho tôm (WSSV) cũng như một số loài ký sinh trùng. Dù đây là đối tượng nuôi phổ biến ở Mỹ, Australia và một số quốc gia khác, nhưng tại Việt Nam sau khi nuôi thử nghiệm, vẫn xem chúng là loài sinh vật ngoại lai nằm trong danh sách cấm nhập khẩu của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

 

Còn theo các chuyên gia nông nghiệp, Việt Nam là nước nhiệt đới, sản xuất nông nghiệp và đa dạng sinh học. Do vậy, nếu loài tôm này được phát tán, có thể ảnh hưởng tới môi trường sinh thái, ngành lúa gạo, thủy sản. Đặc biệt, Đồng Tháp là một trong những tỉnh trọng điểm về lúa gạo nên việc bảo vệ môi trường, sinh học là rất quan trọng. 

 

Để khuyến cáo người nuôi trồng thủy sản, ông Cẩn cho biết: Các loài ngoại lai xâm hại có thể ảnh hưởng tới đa dạng sinh học, sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, môi trường tại Việt Nam. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đã có quy định về những loài muốn phát triển, du nhập phải có đánh giá tác động đối với môi trường sinh thái, hiệu quả kinh tế mới được sản xuất, kinh doanh. Do vậy, mong người dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của Bộ NN&PTNT, chỉ sản xuất kinh doanh những loài nằm trong danh mục được phép. 

 

Nguồn Báo Công Thương


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang