Thứ Sáu, 22/11/2024 20:57:47 GMT+7
Lượt xem: 2853

Tin đăng lúc 12-07-2016

Tổng công ty Điện lực miền Nam: Tăng cường các giải pháp an toàn điện trong mùa mưa bão

Những tháng đầu năm 2016, trên hệ thống lưới điện của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) tình hình vi phạm hành lang an toàn lưới điện, cùng với mưa, giông, lốc đã gây ra nhiều sự cố cho lưới điện và tai nạn điện cho người dân. Do thực hiện tốt công tác chuẩn bị, chủ động, tích cực trong khắc phục nhanh sự cố nên các đơn vị của tổng công ty đã khôi phục hoạt động cung cấp điện trong thời gian ngắn nhất.
Tổng công ty Điện lực miền Nam: Tăng cường các giải pháp an toàn điện trong mùa mưa bão
Thả diều không đúng chỗ sẽ gây mất an toàn cho người và lưới điện

Theo EVN SPC, trong những tháng đầu năm 2016, trên hệ thống lưới điện 110kV của tổng công ty đã xảy ra 12 sự cố, tăng 9 vụ so với cùng kỳ; trên lưới điện 22kV xảy ra 37 sự cố, tăng 6 vụ so với cùng kỳ năm 2015 và gây ra 10 vụ tai nạn điện.

 

Nguyên nhân do phương tiện cơ giới thi công vi phạm, người dân đốt rác gây sự cố, cây xanh vi phạm hành lang an toàn; chặt cây ngoài hành lang ngã đổ vào lưới điện; thả diều; phương tiện giao thông va chạm vào dây, trụ điện; lắp đặt ăng ten, giàn giáo, biển hiệu; xây dựng, cải tạo nhà, công trình sai quy định.

 

Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa, giông, lốc xoáy đã gây ra 3 vụ sự cố trên lưới điện 110kV và 36 vụ sự cố trên lưới điện 22kV làm gián đoạn cung cấp điện và gây thiệt hại cho lưới điện với chi phí khắc phục ước tính trên 3,2 tỷ đồng, trong đó có một số vụ sự cố có thiệt hại lớn hàng trăm triệu đồng.

 

Để tăng cường bảo đảm an toàn, trong 6 tháng đầu năm 2016, các đơn vị thuộc EVN SPC đã xử lý được 4.177 vị trí nguy hiểm trên lưới điện so với tổng số 12.232 vị trí tính từ đầu năm 2016, đạt 34% kế hoạch giao và xử lý hoàn tất 100% trong năm 2016.

 

Tổng công ty cũng đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức rà soát, tăng cường kỹ sư an toàn chuyên trách; thành lập phòng an toàn; hoàn thiện hệ thống các quy chế quản lý, quy định về an toàn lao động; sửa đổi, bổ sung và ban hành lại 11 quy chế, quy định về quản lý công tác an toàn lao động.

 

Các đơn vị đã xây dựng phương án cấp điện cho các phụ tải quan trọng; đảm bảo thông tin liên lạc trong mùa mưa bão; chuẩn bị nhiên liệu, thiết bị dự phòng để khôi phục cấp điện trở lại an toàn, nhanh nhất; thực hiện tổng kiểm tra lưới điện; tổ chức xử lý, khắc phục những tồn tại của thiết bị, móng và cột điện, đường dây, trạm điện, đặc biệt là tại các vị trí xung yếu như các cột điện ở triền dốc, bờ sông; củng cố vị trí xung yếu có nguy cơ thiệt hại cao trên lưới điện 110kV.

 

Các đơn vị thuộc EVN SPC tuyên truyền an toàn điện, phối hợp với các địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo công tác bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp và tuyên truyền an toàn điện; thực hiện chương trình giảm sự cố lưới điện và củng cố hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA) bằng nhiều giải pháp như: tăng cường kiểm tra hành lang lưới điện; phát quang cây xanh trong và ngoài hành lang; phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm HLATLĐCA, xử lý biển hiệu và biển quảng cáo, ăng ten tivi … có nguy cơ ngã đổ vào lưới điện.

 

Tuy nhiên, đến nay trên hệ thống lưới điện của tổng công ty còn 8.620 vị trí không an toàn, trong đó, trên đường dây trung áp, hạ áp có trên 5.000 vị trí.

 

Để đảm bảo an toàn, không để xảy ra tai nạn điện, các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát tại hiện trường làm việc của người lao động trong gắn điện kế, kiểm tra hệ thống đo đếm, sang tải, sửa chữa điện khách hàng… để kịp thời chấn chỉnh các sai sót, ngăn ngừa tai nạn cho người lao động.

 

Tổng công ty chỉ đạo các đơn vị xử lý hoàn tất các vị trí nguy hiểm trên lưới điện; tập trung nhân lực dọn dẹp hành lang lưới điện; hoàn tất khắc phục những khiếm khuyết của thiết bị, đường dây, trạm điện; nâng cao độ võng đối với các vị trí vượt sông, vượt đường giao thông, đường dây đi qua vùng lũ.... Phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền an toàn điện và biện pháp phòng tránh tai nạn điện cho nhân dân trong mùa mưa, bão, lũ; vận động người dân chặt tỉa cây ngoài hành lang, chằng néo mái tôn; tháo dỡ, di dời bảng hiệu, biển quảng cáo…; chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư, nguồn điện dự phòng nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời khắc phục hậu quả do thiên tai; khi có bão, lũ trên địa bàn phải bố trí lực lượng ứng trực 24/24h; tổ chức kiểm tra, quản lý, phát hiện ngăn chặn ngay từ đầu các hành vi vi phạm an toàn lưới điện.

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang